Lao động di cư trong nội khối ASEAN có xu hướng ngày càng tăng
Lao động di cư là một trong những đặc thù của thị trường lao động khu vực Đông Nam Á. Di cư trong nội khối hiện đang có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới một phần ba trong tổng số lao động di cư quốc tế của khu vực vào năm 2022.
Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng ILO tại Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng công bố Báo cáo. (Ảnh: Molisa). |
Ngày 14/11, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức lễ công bố Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong luật pháp và chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN”.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chúc mừng bản Báo cáo đã được hoàn thiện. Ông chia sẻ, báo cáo trở thành công cụ, cơ sở quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách để bảo đảm các quyền lợi của lao động di cư, đặc biệt là nữ lao động di cư.
Lao động di cư là một trong những đặc thù của thị trường lao động khu vực Đông Nam Á, và di cư trong nội khối hiện đang có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới một phần ba trong tổng số lao động di cư quốc tế của khu vực vào năm 2022.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng, lao động di cư là một trong những đặc thù của thị trường lao động khu vực Đông Nam Á, và di cư trong nội khối hiện đang có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới một phần ba trong tổng số lao động di cư quốc tế của khu vực vào năm 2022. Lao động di cư đem lại lợi ích kinh tế cho nước tiếp cử và phái cử, đáp ứng nhu cầu lao động thiếu hụt, giảm áp lực giải quyết việc làm lên thị trường lao động, chuyển giao công nghệ, tăng cường kỹ năng và tăng trao đổi ngoại tệ.
Theo Thứ trưởng, Báo cáo đã đưa ra một nghiên cứu tổng quát về vị trí luật pháp, chính sách, chương trình và các hoạt động thực thi pháp luật tại các quốc gia thành viên ASEAN, các quy định cụ thể dành cho lao động nữ và tác động tới nữ lao động di cư. Việt Nam luôn chú trọng đến tính nhạy cảm giới trong luật pháp, chính sách quốc gia và chủ trì nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm cải thiện bình đẳng giới, thúc đẩy quyền của người lao động trong nước và khu vực.
Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong luật pháp và chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN” do Việt Nam chủ trì, với sự hỗ trợ của Chương trình Di cư an toàn và công bằng (Safe and Fair) thuộc chương trình hợp tác ASEAN/ILO và Ban Thư ký ASEAN.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ nhanh chóng, đáp ứng giới cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài và đã được ghi nhận trong Báo cáo.
Cụ thể như: duy trì liên lạc chặt chẽ với người di cư thông qua đường dây nóng bảo hộ công dân; có cơ quan đại diện ngoại giao phối hợp cơ quan chức năng nước ngoài tiếp nhận người di cư Việt Nam đang mắc kẹt để đưa về nước nếu có yêu cầu; bảo vệ lãnh sự; tổ chức các chuyến bay hồi hương nhanh…
Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong luật pháp và chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN” là hoạt động thuộc Kế hoạch công tác của Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) giai đoạn 2021-2025. Báo cáo do Việt Nam chủ trì, với sự hỗ trợ của Chương trình Di cư an toàn và công bằng (Safe and Fair) thuộc chương trình hợp tác ASEAN/ILO và Ban Thư ký ASEAN.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Tổng Thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội Ekkaphab Phanthavong hoan nghênh và chúc mừng nỗ lực của các nước thành viên ASEAN, dưới sự chủ trì của Việt Nam và hỗ trợ từ ILO, Ban Thư ký ASEAN đã hoàn thiện và đưa những thông tin cập nhật cùng các điển hình tốt từ các nước thành viên vào Báo cáo khu vực. Từ đó, đưa ra nhận định về những thành tựu đã đạt được, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và các khuyến nghị nhằm khắc phục cũng như thúc đẩy quyền và lợi ích hợp pháp của lao động di cư nói chung và lao động nữ nói riêng.
Đồng tình với Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, ông Ekkaphab Phanthavong cho rằng, về tổng thể, lao động di cư giúp giảm nghèo đói, tăng cường cho từng quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, nữ lao động di cư vẫn còn phải chịu nhiều bất công, đối mặt với nhiều rào cản từ các định kiến giới; tỷ lệ người lao động di cư là nữ giới còn thấp hơn nam giới và tập trung vào công việc mang lại giá trị thấp như nhân viên chăm sóc, giúp việc gia đình…
Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra, các bất lợi đối với nữ lao động di cư diễn ra trầm trọng hơn trong toàn khu vực. “Các quốc gia cần bảo vệ nữ lao động di cư tốt hơn thông qua quá trình lập pháp; đẩy mạnh hỗ trợ lao động di cư là nữ giới để bảo đảm công bằng và bảo vệ họ khỏi các rủi ro như xâm hại hay lạm dụng. Bản Báo cáo khu vực này sẽ thúc đẩy đối thoại cũng như tối ưu hóa thông tin đầu vào của các quốc gia thành viên đối với vấn đề lao động di cư, nhất là nữ lao động di cư”, Phó Tổng Thư ký ASEAN kiến nghị.
Chia sẻ với các đại biểu, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, cho biết, bản Báo cáo đã nêu bật lên các rủi ro và cơ hội cho nữ lao động di cư trên tinh thần lấy phụ nữ làm trung tâm, có yếu tố đáp ứng giới. Cùng với đó, đem lại kết quả từ công tác phân tích giới trong lao động di cư, đóng góp vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ quyền của nữ lao động di cư.
Thông qua bản Báo cáo, các quy định hiện hành của lao động di cư từ các quốc gia trong khu vực được phản ánh đầy đủ, bao gồm các lỗ hổng trong công tác lập pháp, bài học kinh nghiệm, cơ hội và thách thức, công tác bảo vệ quyền lợi cho người lao động di cư từ trước khi xuất cảnh đến sau khi nhập cảnh của từng quốc gia.
Cũng tại sự kiện này, các đại biểu đã được nghe chia sẻ về nhiều kết quả nghiên cứu, trao đổi về ý nghĩa các chính sách và biện pháp áp dụng trong thực tế của các nước thành viên ASEAN. Qua đó, các xu hướng di cư hiện nay, vấn đề phụ nữ di cư được nêu xuất, đồng thời phân tích toàn diện về luật cho người di cư hiện hành và các chính sách quản lý lao động di cư tại 10 nước thành viên ASEAN. Các khuyến nghị trong Báo cáo được đề xuất nhằm thúc đẩy bảo đảm việc làm tốt cho lao động nữ di cư trong ASEAN, góp phần cho nỗ lực xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, vì người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Trong năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt khoảng 45 nghìn người, với hơn 15 nghìn lao động nữ. Một số thị trường lao động trong khối ASEAN thu hút nhiều lao động nước ta như Singapore, Malaysia…
(Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
Ý kiến ()