Lao đao vì tín dụng "đen"
Tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tình trạng cho vay nặng lãi khá phổ biến và trầm trọng, với mức lãi suất khoảng 5%/tháng, không ít trường hợp lãi "cắt cổ" từ 10% đến 30%/tháng, cá biệt có những trường hợp lên đến 60%/tháng. Nhiều nông dân đã "tán gia bại sản" khi bị cuốn vào "vòng xoáy" của tín dụng "đen". Hạn mức tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp khá thấp và việc tiếp cận vốn ngân hàng với thủ tục rườm rà đã khiến phần đông người nông dân nơi đây dính sâu vào tín dụng "đen"...
Tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tình trạng cho vay nặng lãi khá phổ biến và trầm trọng, với mức lãi suất khoảng 5%/tháng, không ít trường hợp lãi “cắt cổ” từ 10% đến 30%/tháng, cá biệt có những trường hợp lên đến 60%/tháng. Nhiều nông dân đã “tán gia bại sản” khi bị cuốn vào “vòng xoáy” của tín dụng “đen”. Hạn mức tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp khá thấp và việc tiếp cận vốn ngân hàng với thủ tục rườm rà đã khiến phần đông người nông dân nơi đây dính sâu vào tín dụng “đen”…
Ðủ mọi biến tướng cho vay nặng lãi
Ông Trần Thanh Minh, ngụ tại xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang) nói: “Vay vốn ngân hàng nói nghe dễ chứ thực tế đi vay khó lắm. Từ khâu thẩm định đất, định giá đến giải ngân thì các chi phí lặt vặt, trà nước cũng tốn bộn, thêm vào không quen biết, họ đâu có cho mình vay nhiều. Vay trăm triệu đồng thì tiền này nọ cũng ngót nghét hơn chục triệu chứ chẳng chơi. Còn vay ngoài tuy lãi có cao hơn nhưng tiền “tươi” cầm ngay, đâu cần thủ tục chi rườm rà mà có đủ số tiền mình cần xoay xở”.
Sự nhanh chóng, tiện lợi và đúng thời điểm đã giúp tín dụng “đen” ở nông thôn tồn tại song hành cùng hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân. Rõ nhất là ở hình thức bán chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy giá bán chịu và giá bán trả bằng tiền mặt chênh lệch lớn, nhưng đánh trúng vào điểm yếu của những hộ nông dân thiếu vốn, cần mua phân bón, thuốc trừ sâu cho vụ mùa. Cho vay nặng lãi núp bóng bán chịu phân bón, thuốc BVTV đã trở nên phổ biến tại khu vực ÐBSCL hàng chục năm qua và sự thua thiệt luôn nằm ở người mua. Anh Võ Văn Sàng ở xã Ðông Phước A, huyện Châu Thành cho biết, hầu hết nông dân có sổ đỏ đều “gởi” ở ngân hàng hết rồi, buộc họ phải đi vay bên ngoài mới có tiền mua phân bón, thuốc BVTV phục vụ sản xuất… Ðến vụ thu hoạch, phần thắng luôn nghiêng về phía chủ các cửa hàng khi họ liên kết trực tiếp với các chủ máy cắt, “cò” lúa. Khi hộ nào cắt lúa xong, bán lúa thì “cò” lúa sẽ cắt ngay tiền nợ chủ đại lý phân bón, thuốc BVTV, người nông dân không thể không trả nợ.
Một hình thức tín dụng đen khác tồn tại hàng chục năm qua tại khu vực ÐBSCL chính là cho vay nợ đáo hạn ngân hàng với lãi bằng tiền mặt khoảng 2.000 đồng/triệu/ngày. Một cán bộ lâu năm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang chia sẻ, bà con nông dân tại An Giang gần như 100% vay vốn ngân hàng, thế chấp bằng chính mảnh ruộng của mình. Họ vay, đáo hạn liên vụ nên đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các hình thức tín dụng “đen” tồn tại. Mỗi diện tích đất tại từng khu vực đều đã định giá cụ thể và số tiền cho vay, định mức rõ ràng. Do đó, với hình thức hỗ trợ đáo hạn, các chủ cho vay liên kết với các cán bộ tín dụng nắm rõ danh sách từng hộ đáo hạn theo chu kỳ để “hỗ trợ”. Thay vào đó, cứ một triệu đồng, người vay mất từ hai đến ba nghìn đồng/ngày. Nếu 100 triệu đồng vay, hoàn tất hồ sơ trong bảy ngày thì người vay mất ngay 1,4 triệu đồng.
Hoạt động cho vay nặng lãi tại Sóc Trăng diễn ra không ồn ào, nhưng thỉnh thoảng người dân Sóc Trăng lại chứng kiến cảnh siết nợ đầy bạo lực theo kiểu xã hội đen, gây bất an cho xã hội. Ðể qua mặt cơ quan pháp luật, đối tượng cho vay nặng lãi thường lèo lái bằng cách làm giấy viết tay cho vay ghi vào mức lãi suất rất thấp, nhưng thực tế đối tượng này lấy lãi cao ngất ngưởng. Người nghèo phải cắn răng chịu đựng, đến lúc kiệt quệ, cùng đường thì một số ít người mới tố giác hành vi cho vay nặng lãi. Khi nhận được thông tin này, phần lớn cán bộ cấp xã thường tỏ ra lúng túng trong giải quyết vụ việc ban đầu, chỉ loay hoay ở khâu hòa giải, chứ chưa có giải pháp cụ thể. Tín dụng “đen” còn nhắm vào cả đối tượng gia đình chính sách. Những năm trước đây, cơ quan chức năng Sóc Trăng phát hiện hàng chục hộ thuộc gia đình chính sách ở thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung cầm sổ thương binh, liệt sĩ để trang trải cuộc sống gia đình. Có trường hợp đối tượng cho vay giữ luôn sổ thương binh, liệt sĩ, rồi hằng tháng lĩnh trọn tiền chính sách.
Tại Kiên Giang, tình trạng ngư dân “đói vốn” diễn ra khá phổ biến và đây chính là nguyên nhân khiến tín dụng “đen” “lên ngôi”. Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá Trương Văn Ngữ cho biết, chủ trương của nhà nước về hỗ trợ vốn cho ngư dân là có, nhưng trước tình hình hoạt động kém hiệu quả của nghề đánh bắt hải sản, các ngân hàng rất ngại cho ngư dân vay vốn trước mỗi chuyến đi biển. Bởi hầu hết các chủ tàu khi mua tàu, hoặc đóng mới tàu đều đã thế chấp tài sản vay tiền. Nắm bắt được thực tế này, một số người có tiền đã tổ chức hoạt động tín dụng “đen”. Chúng tôi hẹn gặp ngư dân Ngô Văn Sưởng ở phường An Bình, TP Rạch Giá đúng lúc ông đang chạy lo tiền chuẩn bị cho cặp tàu ra khơi. Ông Sưởng trải lòng: “Gia đình tôi có bốn chiếc tàu (hai cặp), một cặp đã ra khơi được nửa tháng, cặp còn lại định ra khơi nay mai. Giờ là lúc khó khăn nhất, bởi vừa chạy lo gần tỷ đồng cho cặp trước, giờ phải kiếm gần một tỷ đồng nữa quả là rất khó. Chuyến trước đã phải vay nóng 300 triệu đồng, với lãi suất 5%/tháng, chuyến này “mượn đỡ” (bán cá non) của đầu nậu cá được một ít, cần phải vay khoảng 500 triệu đồng nữa, tàu mới có thể nhổ neo. Vay với lãi suất này thì mình làm mà người ta ăn”. Hầu hết ngư dân ở đây đều đã bán non hải sản từ trước khi ra biển. Bởi hoàn cảnh nghèo khó, túng thiếu, để có tiền mua nguyên liệu, ngư lưới cụ, trang trải gia đình, ngư dân phải đi vay, người ít cũng 5-10 triệu đồng, nhiều thì vài chục triệu đồng. Không vay được ở ngân hàng vì không đủ điều kiện, tài sản lớn để thế chấp, có người còn không có hộ khẩu, họ phải bấm bụng vay lãi cao từ những đầu nậu thu mua hải sản của mình và chấp nhận điều kiện đánh bắt được bao nhiêu bán hết cho chủ nợ.
Ða dạng hóa các hình thức hỗ trợ nông dân
Tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với ba tỉnh trọng điểm là An Giang, Kiên Giang và Ðồng Tháp, Thủ tướng chỉ đạo: Ðể hỗ trợ tín dụng cho sản xuất lúa, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phải đóng vai trò chủ lực, trong đó quan tâm vấn đề cho vay theo chu kỳ sản xuất. Cần rà soát, cơ cấu lại nợ, tín dụng cho người nông dân trồng lúa, nuôi cá nhằm hỗ trợ cho bà con. Theo đó, để người nông dân thật sự tiếp cận tốt với tín dụng của hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân và hạn chế thấp nhất các hình thức tín dụng “đen” len lỏi trong nông dân thì điều kiện tiên quyết là các thủ tục vay vốn, lãi suất và hạn mức tín dụng phải được giải quyết thấu đáo theo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, tăng hạn mức tín dụng và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ. Giải pháp mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đưa ra tại buổi làm việc chính là các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp chấm dứt việc đáo hạn với các thủ tục rườm rà, hỗ trợ nông dân đơn giản hóa thủ tục bằng các hồ sơ đưa tận tay bà con nông dân, đến kỳ trả, chỉ cần trả phần lãi suất và tiếp tục được đáo hạn trở lại bằng chính tài sản là mảnh ruộng với giấy chứng nhận quyền sở hữu mà tổ chức tín dụng đó đang nắm giữ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang Trần Văn Trợ, mặc dù có nhiều chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi giúp nông dân có điều kiện sản xuất, ổn định và vươn lên trong cuộc sống, nhưng vì nhiều lý do, nguồn vốn đó vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu hoặc vốn đã đến tay nông dân nhưng chưa phát huy hiệu quả. Trong điều kiện khó khăn đó, chuyện vay nợ với lãi suất cao trong nội bộ nhân dân vẫn còn tồn tại và đang có chiều hướng gia tăng ở hầu hết vùng nông thôn, thành thị và hệ lụy của nó để lại là rất lớn. Ðể hạn chế tình trạng này, ông Trần Văn Trợ cho rằng: Thay vì cung vốn cho doanh nghiệp mua lúa tạm trữ, thì nên có cơ chế cho vay với lãi suất ưu đãi đối với những doanh nghiệp có nhiệm vụ cung ứng phân bón, vật tư, cây con giống và có thể lo đầu ra ổn định cho những nông dân thiếu vốn sản xuất.
Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Sóc Trăng Dương Ðình Lạng cho biết, ngân hàng CSXH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tạo điều kiện cho bà con được vay vốn một cách dễ dàng, nhanh chóng nhất với phương châm “ngân hàng đến với người dân”. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của nông dân là rất lớn, ngân hàng CSXH vẫn còn khó khăn về vốn nên chưa thể đáp ứng hết được. Muốn giảm nghèo bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất người dân bị “cuốn” vào tín dụng “đen”, thì không chỉ lo cấp vốn mà còn phải đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn một cách cụ thể nuôi con gì, trồng cây gì để người dân tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất. Trong phân bổ ngân sách, trung ương phải có mức hỗ trợ trực tiếp, cụ thể cho hộ nghèo và cận nghèo, tránh tình trạng quy định chung chung để vốn không đến tay người nghèo.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()