Lao đao vì khó tiêu thụ
LSO-Chấp nhận lỗ, thậm chí là lỗ nặng, nhưng việc tiêu thụ lợn thịt ở xã Như Khuê, huyện Lộc Bình hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ lao đao vì không bán được lợn.
Anh Đài chăm sóc đàn lợn không xuất chuồng được của gia đình |
Chịu lỗ cũng khó bán
Không còn cảnh “cò kè bớt một thêm hai” để tăng giá bán như trước đây, hiện nay người nuôi lợn ở xã Như Khuê chỉ mong bán được. Lỗ cũng bán, bởi nếu cứ để nuôi chờ giá thì người chăn nuôi càng lún sâu vào khó khăn.
Anh Lý Văn Đài, thôn Phiêng Vệ chia sẻ: Bình thường, mỗi lứa lợn thịt nhà tôi chỉ nuôi khoảng 100 ngày là xuất bán. Thế nhưng hiện tại, lứa lợn 35 con của gia đình được nuôi từ tháng 7/2016 đến nay vẫn chưa thể xuất chuồng. Chất lượng lợn thịt tốt, không gặp phải dịch bệnh gì. Thế nhưng theo anh Đài, nguyên nhân không xuất bán được là do việc thu mua từ phía Trung Quốc đã giảm rất nhiều. Nếu như mọi năm, thời điểm sau Tết Nguyên đán, xuất bán rất dễ thì từ đầu năm đến nay, gia đình anh cùng nhiều hộ nuôi lợn khác không thể xuất nổi chuyến nào.
Không xuất bán được số lượng lớn, người dân trong xã cũng đã chủ động tìm mối bán lẻ. Thế nhưng lợn to, lại bị chê thịt nạc, béo không đồng đều nên các mối mua lẻ cũng lắc đầu từ chối. Không có cách nào bán được, lợn hơi hạ giá thấp kỷ lục cũng chẳng ai ngó ngàng. Bình thường những năm trước, giá lợn hơi có thể lên tới 48-50 nghìn đồng/kg thì hiện nay, giá đã xuống đến mức 30 nghìn đồng/kg. Lợn ế kéo theo hàng loạt những hệ lụy đằng sau.
Người chăn nuôi lao đao
Trở lại câu chuyện đàn lợn 35 con nhà anh Đài. Nuôi gần 1 năm không bán được, đến nay, con nhỏ trong đàn cũng nặng hơn 1 tạ, còn con to lên tới 1,8 tạ. Mỗi ngày, lượng thức ăn của cả đàn gồm 2 bao cám hỗn hợp, 10 kg cám đậm đặc, 20 kg ngô, 10 kg sắn và 4 bao bã bia. Nhẩm tính lượng thức ăn đó mất khoảng hơn 1 triệu đồng. Đấy là chưa kể công chăm sóc, tiền điện, nước phục vụ chế biến thức ăn, vệ sinh…
Mất tiền triệu mỗi ngày, thế nhưng chẳng thu được lại gì. Anh Đài chia sẻ: Giống lợn này nuôi đến ngưỡng như vậy nó không thể lớn thêm được nữa. Thi thoảng có một vài con béo thêm, nhưng nếu béo thêm thì lại càng khó bán. Không cho ăn thì lợn chết, mà cho ăn thì gánh nặng kinh tế càng đội lên gấp bội khi mà phần lớn thức ăn phải đi mua, lại là mua chịu nên giá sẽ đội cao hơn (ví dụ 1 bao cám hỗn hợp trả tiền ngay sẽ rẻ hơn 5.000 đồng so với nợ). Nếu có xuất bán lứa này được ngay, anh Đài vẫn lỗ khoảng 60 -70 triệu đồng.
Không xuất bán được lứa trước, người dân cũng chẳng có tâm trí đâu để gây lứa khác. Mà nếu có nghĩ đến gây lứa khác thì cũng chẳng có chuồng, chẳng có tiền để mua giống, thức ăn. Ế ẩm như vậy, nhiều hộ dân đã dừng nuôi, thậm chí nhiều hộ còn “sợ” nuôi lợn thịt.
Anh Lộc Văn Năm, Trưởng thôn Tằm Cát chia sẻ: Cách đây vài năm thì gần như 100% các hộ dân trong thôn đều nuôi lợn. Hộ nuôi ít cũng vài con, hộ nhiều 10-20 con. Việc nuôi lợn giúp người dân trong thôn cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Thế nhưng trước tình trạng giá cả không ổn định, thỉnh thoảng lại đối phó với dịch bệnh khiến cho hiệu quả từ nuôi lợn thời gian gần đây của thôn sụt giảm rất nhiều. Đến nay, cả thôn chỉ còn lác đác một vài hộ nuôi. Ngay như gia đình anh Năm, nhắc đến nuôi lợn vẫn còn cảm thấy sợ.
Đó cũng là tâm lý chung của nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Như Khuê. Ông Lý Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vài năm trước, xã có 315 hộ thì gần như hộ nào cũng nuôi lợn. Nhưng đến nay, số hộ nuôi đã giảm rất nhiều, thậm chí có thôn số hộ nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Việc nuôi lợn thịt gặp khó khăn vì khó tiêu thụ, nhiều hộ chuyển sang trồng trọt, phần khác thì đi làm thuê bốc vác ở khu vực biên giới hoặc sang Trung Quốc làm thuê nhưng hiệu quả kinh tế và tính ổn định rất thấp. Hiện xã cũng chưa có hướng giải quyết cụ thể nào cho tình trạng ế ấm dẫn đến bỏ nuôi lợn như hiện nay.
Theo lời một dân buôn lợn xuất khẩu có tiếng ở Như Khuê, tình trạng ế ẩm, bỏ nuôi lợn không chỉ diễn ra ở Như Khuê mà hầu hết các xã lân cận đều gặp phải tình trạng tương tự.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()