Lao đao cây sắn nguyên liệu ở Kỳ Anh
Hàng chục xe ô-tô phải chờ đợi mấy ngày trước nhà máy để được nhập sắn. Người trồng sắn nguyên liệu ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang lao đao khi giá thu mua sụt giảm mạnh và "ế" thừa sắn ngay trong chính vụ sản xuất. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vedan Hà Tĩnh (Vedan Hà Tĩnh) với người trồng và bao tiêu sản phẩm."Say" sắnNgay sau Tết Nhâm Thìn, chúng tôi ngược quốc lộ 12 để tìm hiểu thực tế. Dọc hai bên quốc lộ, nhất là đoạn qua xã Kỳ Sơn, nơi có Nhà máy Vedan Hà Tĩnh, xuất hiện khá nhiều đống sắn tươi đang chờ... được bốc lên ô-tô.Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Kỳ Lâm đứng cạnh đống sắn đang bốc mùi, bức xúc:Ở ngoài rẫy sắn đã rụng lá, không thu hoạch thì vừa lưu giữ đất vừa giảm hàm lượng tinh bột; mà thuê người thu hoạch, bốc lên xe đến vài ngày mà vẫn chưa được nhập cũng bị thối hỏng... Chi bằng, thu hoạch gom thành đống bên đường chờ, giải phóng đất để chuẩn bị trồng lạc cho kịp thời...
Hàng chục xe ô-tô phải chờ đợi mấy ngày trước nhà máy để được nhập sắn. |
“Say” sắn
Ngay sau Tết Nhâm Thìn, chúng tôi ngược quốc lộ 12 để tìm hiểu thực tế. Dọc hai bên quốc lộ, nhất là đoạn qua xã Kỳ Sơn, nơi có Nhà máy Vedan Hà Tĩnh, xuất hiện khá nhiều đống sắn tươi đang chờ… được bốc lên ô-tô.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Kỳ Lâm đứng cạnh đống sắn đang bốc mùi, bức xúc:
Ở ngoài rẫy sắn đã rụng lá, không thu hoạch thì vừa lưu giữ đất vừa giảm hàm lượng tinh bột; mà thuê người thu hoạch, bốc lên xe đến vài ngày mà vẫn chưa được nhập cũng bị thối hỏng… Chi bằng, thu hoạch gom thành đống bên đường chờ, giải phóng đất để chuẩn bị trồng lạc cho kịp thời vụ…
Ở khu vực Nhà máy Vedan Hà Tĩnh có khá nhiều ô-tô chất đầy sắn đang nằm chờ… một vài ngày để được vào bốc hàng. Anh Nguyễn Văn Xuân lái xe BKS 38H-8720 ở xã Kỳ Hợp cho biết: “Nhà tôi có hai xe chuyên chở sắn. Vụ trước, mỗi xe chở được hai chuyến/ngày. Còn nay, cứ hai, ba ngày mới nhập được một chuyến; thậm chí trước Tết Nguyên đán, phải nằm chờ đến tận bốn, năm ngày. Sắn vừa hư thối vừa thiệt cả tiền chuyên chở…”.
Anh Trần Công Tường ở thôn Tân Hà, xã Kỳ Lâm vẻ mặt thất thần như “say” sắn. Anh tâm sự: Mùa trước, giá sắn cao, tư thương đến tận nơi lùng mua với giá 2.200 đến 2.300 đồng/kg; vợ chồng bàn tính chuyển bảy ha đất trồng cây tràm (ở ngay sát quốc lộ) sang trồng sắn… Ai ngờ, mùa năm nay giá thu mua tụt chỉ bằng nửa mùa trước, tính sơ sơ mất đứt hơn chục triệu đồng (!). Anh Tường cho biết thêm: “Nhà tôi lỗ như vậy còn ít, chứ những hộ trồng ở vùng sâu, thu hoạch lại gặp mưa dầm dề liên tục, đường vận chuyển cực kỳ khó khăn thì chỉ có nước bán đổ, bán tháo cho “cò” với giá 700 đến 800 đồng/kg”.
Hai vấn đề làm người trồng sắn nguyên liệu ở Kỳ Anh bức xúc. Thứ nhất, giá thu mua sắn tụt xuống đột ngột, mất hơn một nghìn đồng/kg. Thứ hai, sau Tết Nhâm Thìn, phần lớn diện tích trồng sắn ở vùng thượng Kỳ Anh đều đến kỳ thu hoạch rộ. Người dân tỏ ra sốt ruột, nếu cứ kiểu thu mua như hiện nay, thì không chỉ chất lượng sắn giảm mà người dân phải đối mặt với nguy cơ chậm thời vụ, đất phải bỏ hoang phí.
Để lý giải vấn đề, vì sao giá thu mua sắn tụt giảm, chúng tôi đã hẹn gặp Giám đốc Nhà máy Vedan Hà Tĩnh Chang Jong Chou. Nhưng khi đến nhà máy, viện dẫn ông Chang đang bận, trợ lý Nguyễn Văn Sáu thay mặt lãnh đạo nhà máy lý giải, do biến động giá cả của thị trường cho nên giá nguyên liệu sắn lên xuống là chuyện bình thường, với việc nhà máy chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho nên không thể kiểm soát được giá.
Còn hiện tượng sắn nguyên liệu “ế” ngay trong chính vụ mà theo tìm hiểu của chúng tôi là do cả hai phía. Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Sơn Nguyễn Văn Long lý giải: Vụ trước, giá sắn thu mua cao ngất ngưởng, hơn 2.000 đồng/kg; thu nhập từ trồng sắn cao hơn trồng lạc và cây trồng khác từ năm đến bảy triệu đồng/ha. Mọi người đổ xô trồng sắn và dẫn đến việc vượt kế hoạch là điều khó tránh khỏi. Điển hình như xã Kỳ Sơn có đến hai phần ba số hộ trong xã (1.200 hộ) trồng 530 ha, vượt 310 ha so với kế hoạch. Xã Kỳ Thượng trồng 465,5 ha, vượt 265,5 ha; Kỳ Lâm trồng 374 ha, vượt 174 ha; Kỳ Tây trồng 330 ha, vượt 150 ha… Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Phạm Khắc Dạ thừa nhận; vụ sắn năm 2010-2011, Kỳ Anh có 20 xã trồng hơn 3.115 ha, vượt kế hoạch 1.415 ha và sản lượng thu hoạch ước khoảng 55 đến 60 nghìn tấn sắn. Người dân lại phải thu hoạch sắn rộ trong vòng 2,5 đến 3 tháng (vì không thể trồng rải vụ). Sức ép về thời vụ và thời tiết không thuận cho nên nhiều hộ trồng sắn với diện tích lớn đều có tâm lý muốn thu hoạch sớm. Ước bình quân người dân trong huyện thu hoạch khoảng 500 đến 600 tấn sắn/ngày. Trong khi đó, nhà máy chế biến cầm chừng, với công suất 350 đến 400 tấn/ngày. Bên cạnh đó, không có ai đứng ra tổ chức thu hoạch cho người dân cho nên hiện tượng thu mua lộn xộn là điều khó tránh khỏi. Đáng lẽ địa phương và nhà máy cần sớm phát hiện ra những vấn đề bất cập trên để có các giải pháp tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho phù hợp. Nhưng đến khi xảy ra tình trạng hỗn loạn, mất an ninh trật tự để tranh nhau vào bán sắn cho nhà máy như đã xảy ra trước Tết Nhâm Thìn vừa qua thì huyện Kỳ Anh mới phát hiện ra.
“Góp phần” làm người trồng nguyên liệu ở Kỳ Anh lao đao một phần thuộc về trách nhiệm Nhà máy Vedan Hà Tĩnh. Trợ lý Nguyễn Văn Sáu thừa nhận: Nhà máy đã hoạt động được ba năm nhưng niên vụ vừa qua, không ký hợp đồng trồng nguyên liệu và bao tiêu giá, sản phẩm cho nông dân cho nên người trồng rất bị động trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Cũng xin được nói thêm, khi mới đi vào hoạt động, nhà máy này đã bị các ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đình chỉ hoạt động vì đã xả thải ô nhiễm môi trường.
Yêu cầu đặt ra
Trước mắt, dưới sự chủ trì của huyện Kỳ Anh, các xã trồng sắn (nhất là các vùng trồng diện tích lớn) và nhà máy cần thống nhất thời gian thu hoạch cụ thể đối với từng xóm (diện tích, sản lượng thu hoạch từng ngày) nhằm bảo đảm nhà máy chạy hết công suất mà không có sắn thu hoạch tồn đọng. Cần ưu tiên thu mua trước số diện tích đã quá thời vụ thu hoạch, số trồng diện tích nhiều và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế… Được biết, những địa phương trồng nhiều sắn lại là những xã miền núi ở vùng thượng Kỳ Anh, nơi có tỷ lệ đói nghèo cao nhất huyện. Nếu thời tiết nắng ấm thuận lợi, bà con có thể cắt lát sắn phơi khô, để giảm sự hư hỏng không cần thiết.
Việc sắn nguyên liệu bị “ế” thừa ngay trong chính vụ sản xuất là bài học lớn đối với huyện Kỳ Anh trong việc chỉ đạo trồng các loại cây nguyên liệu. Cụ thể đối với cây sắn, huyện Kỳ Anh cùng các ngành chức năng và các địa phương cần tính toán kỹ các vấn đề liên quan, trong đó có yếu tố tiểu khí hậu “chảo lửa, túi mưa”, trồng rải vụ, để đưa ra số diện tích trồng sắn phù hợp thời gian thu hoạch. Ngoài ra, huyện Kỳ Anh cần tăng cường công tác quản lý, điều hành theo kế hoạch và thời vụ, xử lý nghiêm đối với các địa phương thực hiện không nghiêm túc. Đây cũng là bài học đối với người nông dân. Không nên cứ cây gì giá lên cao thì trồng bằng mọi cách, và giá tụt thì phá bỏ… Người dân cần tuân thủ các hợp đồng ký kết với nhà máy, tránh tình trạng khi giá cao thì bán nguyên liệu đi nơi khác, như đã từng xảy ra trước đây.
Nhà máy Vedan Hà Tĩnh cần thể hiện sự chuyên nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu. Bằng việc ký kết hợp đồng trồng, bao tiêu sản phẩm cụ thể với các hộ nông dân giống như các nhà máy khác. Ngoài ra, nhà máy cần tổ chức mạng lưới hướng dẫn kỹ thuật khuyến nông, cung cấp các giống có năng suất cao, trồng rải vụ… để bà con yên tâm với việc phát triển vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài. Ngoài ra, nhà máy cần có phương án dự trữ sản phẩm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()