Lào Cai xây dựng thương hiệu nông sản
Khoai môn Bảo Yên (Lào Cai) chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Phát triển vùng hàng hóa nông sản đặc hữu
Chúng tôi ngược quốc lộ 4D lên vùng cao biên giới Mường Khương, một huyện nghèo của tỉnh Lào Cai đang được thụ hưởng chính sách ưu đãi theo Chương trình 30a của Chính phủ. Nằm trên vùng địa chất cát-xtơ đá vôi, với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, Mường Khương có lợi thế về phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như: gạo Séng Cù, tương ớt, quýt ngọt, chè hữu cơ… Thực hiện phương châm “mỗi xã một sản phẩm đặc hữu”, huyện lựa chọn các loại nông sản mũi nhọn, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đồng bào có trình độ canh tác thuần thục để phát triển thành vùng hàng hóa tập trung, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Vùng sản xuất gạo Séng Cù hơn 300 ha ở các xã: Nấm Lư, Bản Xen, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố, đạt sản lượng hơn 1.500 tấn/năm. Ðây là loại gạo chất lượng cao, dẻo, thơm, vị đậm, được khách hàng ưa chuộng. Vùng sản xuất quýt ngọt, với diện tích khoảng 400 ha, trong đó có 150 ha cho thu hoạch gần 2.000 tấn quả, tập trung ở các xã: Tung Chung Phố, Tả Ngải Chồ, Nậm Chảy… Quýt Mường Khương được trồng trên vùng đất có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu ôn đới, có độ chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm nên quả mọng nước, vị ngọt thanh, mẫu mã đẹp, được khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua. Nằm ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, với khí hậu ôn đới rét lạnh, Sa Pa được mệnh danh là “kinh đô mùa hè” của vùng núi phía bắc, nhiệt độ trung bình 150C, có lợi thế nuôi cá nước lạnh, trồng su su chất lượng cao, ít nơi có được. Huyện Sa Pa quy hoạch vùng nuôi cá hồi, cá tầm ở các xã có nguồn nước ổn định và trên độ cao lớn, nhiệt độ thấp, phù hợp như Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Tả Phìn, khu vực Thác Bạc…, với 71 cơ sở nuôi cá nước lạnh, khoảng 32.000 m2 mặt nước. Hằng năm, Sa Pa cung ứng ra thị trường hơn 400 tấn cá hồi, cá tầm chất lượng cao, sạch, an toàn. Cá hồi Sa Pa ngon bậc nhất cả nước, nhờ nguồn nước sạch, tinh khiết từ dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nhiệt độ lạnh lý tưởng, giống cá thuần chủng và thức ăn nhập khẩu cùng với quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Huyện Bảo Yên, được coi là “cửa ngõ” của Lào Cai với các tỉnh miền xuôi, có lợi thế về đồng cỏ và giống trâu Ngố bản địa của đồng bào Tày, giống trâu này có sức vóc lớn, khả năng sinh sản tốt, chất lượng thịt cao. Thực hiện đề án “Phát triển đàn trâu và xây dựng thương hiệu trâu Bảo Yên”, đến nay huyện Bảo Yên đã xây dựng được vùng chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu và các cơ sở giết mổ, chế biến thịt trâu sấy được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu độc quyền. Hằng năm, Bảo Yên đưa ra thị trường hàng trăm tấn thịt trâu chất lượng cao, đem về khoảng 150 tỷ đồng cho người chăn nuôi và nhân công chế biến.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lào Cai Chu Hoàng Nguyện cho biết, đến nay, tỉnh Lào Cai đã phát triển được vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với một số nông sản đặc hữu, sản lượng đủ lớn để cung ứng cho thị trường, như: gạo Séng Cù, cá hồi vân, thịt trâu sấy, mật ong, su su, chè, rau an toàn, hoa cao cấp…
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản
Xác định nhãn hiệu, thương hiệu như “tấm giấy thông hành” để nông sản tăng tính cạnh tranh, mở rộng kênh phân phối và thị trường tiêu thụ, Lào Cai xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Theo đó, mỗi xã, huyện lựa chọn những nông sản đặc hữu để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Muốn có thương hiệu và giữ gìn, bảo vệ được thương hiệu phải tập trung vào bốn khâu: giống thuần chủng, quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, bảo quản, chế biến tốt và xúc tiến thương mại hiệu quả.
Theo hướng này, Sở NN-PTNT Lào Cai đã thành lập Hội Nông sản an toàn tích cực làm cầu nối doanh nghiệp, nhà khoa học với địa phương và người sản xuất để tạo nên chuỗi sản xuất nông sản giá trị cao. Chẳng hạn ở các tổ 12,13,14 của thị trấn Sa Pa, 150 gia đình tự nguyện liên kết với nhau, thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hoa Ðào sản xuất quả su su chất lượng cao, mang thương hiệu Sa Pa. Các hộ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bón phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng. Ðể bảo đảm chất lượng quả su su, cứ ba năm một lần, các xã viên thay giống, trồng mới, dù chi phí tốn kém. HTX đầu tư cột chống bằng bê-tông; làm giàn bằng dây thép không gỉ; áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiên tiến… Mỗi năm HTX này cung ứng cho thị trường Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng… khoảng 6.000 tấn quả su su tươi. Chủ nhiệm HTX Ðỗ Thị Liên cho biết, nhờ có thương hiệu, su su của HTX tiêu thụ tốt, được khách hàng tín nhiệm, trồng ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó.
Tại cơ sở sản xuất thịt trâu sấy khô của anh Hoàng Văn Sử ở xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, từ nguyên liệu đầu vào, qua các công đoạn chế biến, đến đầu ra là những túi ni-lông chứa thịt trâu sấy khô được hút chân không, tem nhãn ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã vạch để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Ðể bảo đảm chất lượng sản phẩm, huyện Bảo Yên duy trì đàn trâu đực tốt khoảng 120 con để nhân giống, bảo đảm giống trâu Ngố thuần chủng, từ đó phát triển đàn trâu thịt hàng hóa, cung cấp cho các cơ sở chế biến thịt trâu sấy trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai, tỉnh có gần 40 sản phẩm nhiều tiềm năng xây dựng thương hiệu. Ðến nay, Sở đã xây dựng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 24 nhãn hiệu và một chỉ dẫn địa lý đối với hơn 30 sản phẩm nông sản đặc hữu. Nhờ vậy, tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ đến các siêu thị ở thành phố lớn trong nước và nước ngoài, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất. Mận Bắc Hà nhờ xây dựng được thương hiệu, giá tăng trung bình khoảng 5.000 đồng /kg, với sản lượng hơn ba nghìn tấn, thu lợi khoảng 16 tỷ đồng/năm. Su su Sa Pa giá tăng 2.000 đồng/kg, với sản lượng khoảng bảy nghìn tấn, thu lợi khoảng 14 tỷ đồng/năm. Quýt ngọt Mường Khương thu lợi khoảng năm tỷ đồng/năm…
Tuy nhiên, việc xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm ở tỉnh Lào Cai còn khó khăn khi hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá chưa hiệu quả. Kinh phí tuyên truyền, vận động, tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm còn hạn chế. Một số nhãn hiệu sản phẩm của các địa phương được hỗ trợ bảo hộ nhưng chưa khai thác được hết giá trị, một số nhãn hiệu không thực hiện duy trì sản xuất dẫn đến bị mai một, bị hủy bỏ hiệu lực bảo hộ, mất nhãn hiệu.
Ðể khắc phục những vấn đề nêu trên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng, thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới. Các doanh nghiệp tích cực liên kết, giúp đỡ các HTX, hộ gia đình hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tỉnh mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào nông nghiệp; liên kết để đầu tư vào chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi, kết nối với hệ thống tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu. Ðồng thời tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết “bốn nhà”, nhất là vai trò của Nhà nước và nhà khoa học trong nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản ở địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()