Lào Cai xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
Nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong toàn tỉnh.
Đánh giá đúng để đào tạo, sử dụng
Những khảo sát về đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Lào Cai ba năm trước cho thấy cơ cấu mất cân đối. Tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ trong các cơ quan đảng, nhà nước còn thấp. Có cơ quan, đơn vị không có cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc chưa có cán bộ lãnh đạo nữ. Một bộ phận cán bộ, công chức hạn chế về kiến thức và năng lực dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác thấp. Có một bộ phận, ngại học tập, nghiên cứu cập nhật kiến thức mới hoặc chưa thật sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại. Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế nêu trên là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chưa đầy đủ. Tính tiền phong gương mẫu của một bộ phận đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa cao. Việc kiểm tra, giám sát chỉ đạo trong lĩnh vực công tác này còn nhiều thiếu sót, bất cập…
Nhiệm kỳ 2010-2015, Tỉnh ủy đã có Đề án số 18, 19 về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo chức danh. Theo đó, số cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh cơ bản được đào tạo theo chức danh, số lượng hợp lý hơn, chất lượng ngày càng được nâng cao cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai cho biết: Giải pháp được tập trung ngay từ khâu “đầu vào”. Năm năm qua, công tác tổ chức tuyển dụng cán bộ, công chức được thực hiện theo đúng quy định của trung ương, bảo đảm công chức được tuyển chọn đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của vị trí cần tuyển. Công tác luân chuyển, quy hoạch cán bộ luôn được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo. Các cấp ủy đảng đã xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong quy hoạch (trình độ, ngành nghề, lĩnh vực công tác, độ tuổi, nam, nữ, dân tộc…). Quy hoạch cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai. Kết quả quy hoạch cán bộ đã thể hiện phương châm “động” và “mở”. Một chức danh quy hoạch nhiều người và một người quy hoạch vào nhiều chức danh. Cấp ủy các cấp cũng coi trọng rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những người không có đủ tiêu chuẩn, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới phục vụ tốt cho công tác nhân sự cấp ủy và HĐND các cấp. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ trong quy hoạch được luân chuyển về làm cán bộ chủ chốt cấp dưới, nhất là cán bộ trong diện quy hoạch Ban thường vụ Tỉnh ủy. Kết quả từ năm 2011 đến nay, tỉnh Lào Cai đã thực hiện luân chuyển được 217 cán bộ , trong đó điều động, luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về các cơ quan Trung ương; tỉnh – huyện, huyện – sở; ban, ngành – sở là 72 đồng chí; điều động luân chuyển từ huyện về xã, phường, thị trấn và ngược lại là 145 đồng chí.
Tỉnh có Đề án “Quy hoạch đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật tỉnh Lào Cai”. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho hàng nghìn cán bộ, công chức và cán bộ dự nguồn người dân tộc thiểu số; tuyển dụng và sử dụng 2.837 sinh viên người dân tộc thiểu số sau đào tạo.
Với quá trình này, nhiều hạn chế trước đây trong công tác luân chuyển, quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã được khắc phục. Sau luân chuyển, nhiều đồng chí đã được các cấp ủy đảng tín nhiệm bố trí vào các vị trí cao hơn hoặc vào các vị trí phù hợp năng lực để cống hiến.
Đội ngũ cán bộ “hồng và chuyên”
Khảo sát về trình độ chuyên môn cho thấy chuyên gia đầu ngành ở một số lĩnh vực trọng yếu trong cơ cấu các ngành kinh tế, kỹ thuật của tỉnh còn thiếu, tỷ lệ chưa qua đào tạo về lý luận chính trị còn cao; một bộ phận cán bộ năng lực lãnh đạo, quản lý trong điều hành chưa đáp ứng yêu cầu… Mới đây, tỉnh Lào Cai đã triển khai công tác quy hoạch và chương trình đào tạo bồi dưỡng bảo đảm đến năm 2020, có 32% số cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý (cấp phòng thuộc sở và tương đương) được đào tạo trình độ chuyên môn sau đại học. Mục tiêu đào tạo toàn bộ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và huyện đạt chuẩn theo quy định của chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý về trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn tốt hơn với sử dụng cán bộ.
Quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 20 về công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh. Đồng thời là quá trình quan tâm đào tạo, quy hoạch đào tạo nguồn cán bộ cho nên tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đều đạt cao.
Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện của Lào Cai đã được đào tạo cơ bản đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước sắp xếp theo vị trí việc làm. Tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ, là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan đã từng bước được nâng lên, cấp tỉnh, cấp huyện có hơn 17% số cán bộ là người dân tộc thiểu số; hơn 35% là nữ; gần 87% có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên; gần 40% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Thực tế nêu trên tạo sự chuyển biến đồng bộ, tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức của đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh. Đó là nhân tố quan trọng để vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp của tỉnh Lào Cai được nâng lên. Thể hiện thông qua thành quả phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()