Lào Cai: Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 26/11.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 26/11.
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp |
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách bảo đảm an sinh xã hội được xã hội quan tâm, do đó việc tuyên truyền phổ biến chính sách và tổ chức thực hiện được địa phương đặc biệt chú trọng. Thời gian qua, Lào Cai đã cấp phát 39.700 tờ rơi, tranh, áp phích; tổ chức 93 buổi tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp tới tất cả doanh nghiệp. Toàn tỉnh đã có 3.715 lượt đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 1.410 người đăng ký thất nghiệp; 1.235 người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thống kê từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm thất nghiệp, tỉ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng mạnh. Năm 2009 mới chỉ có 15.840 người tham gia thì đến hết tháng 9.2013 có trên 39.800 người tham gia (tăng 2,5 lần). Số tiền vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 5,9 tỉ đồng năm 2009 lên 21,1 tỉ đồng năm 2013.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng thì số đơn vị nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo. Năm 2009 chỉ có 51 đơn vị nợ, đến hết tháng 9/2013 đã là 222 đơn vị, trong đó có cả cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Theo ông Giàng Xuân Sang, Trưởng phòng chính sách Bảo hiểm Xã hội tỉnh, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này ngoài yếu tố khách quan do tình hình sản xuất kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao. Cùng đó, quy định về xử phạt vi phạm về đóng bảo hiểm thất nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm xã hội chưa được giao chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm do đó khi kiểm tra phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm chỉ nhắc nhở. Do đó, tình trạng nợ đọng kéo dài, chây ì, cố tình không đóng bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là ở những doanh nghiệp dân doanh có quy mô sử dụng lao động nhỏ, sản xuất kinh doanh trong lĩnh thương mại, dịch vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Loan, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, các quy định thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong thời gian đầu, người lao động khi thất nghiệp phải đăng ký trong 7 ngày và thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (15 ngày) trong điều kiện chốt sổ bảo hiểm xã hội gặp khó khăn (do một số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng và nợ đóng bảo hiểm xã hội) là chưa hợp lý. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều chưa nắm rõ quy định này, làm cho một số người không được hưởng chính sách do chậm đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.
Đặc biệt, trong số những người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người đăng ký để được hưởng hỗ trợ học nghề rất thấp (chiếm 1,61%). Đây là một trong những khó khăn cho việc mở lớp của cơ sở dạy nghề và việc lựa chọn nghề để học của người đăng ký thất nghiệp. Đại diện Công ty cổ phần Nam Tiến (Lào Cai) cho biết, hiện vẫn còn một bộ phận người lao động chưa nhận thức sâu sắc về mục đích ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, người lao động không quan tâm đến việc tìm kiếm việc làm, chế độ được hỗ trợ học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động mà chỉ quan tâm đến khoản tiền trợ cấp thất nghiệp. Hoặc có một số lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, đăng ký và được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tiếp tục đi làm ở 1 đơn vị khác mà không thông báo là đã có việc làm để tiếp tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Để việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả hơn, thời gian tới, Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm ngay khi người lao động đăng ký thất nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động website việc làm, giúp người lao động thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là các đơn vị chậm đóng, nợ đọng và không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đặc biệt, cần đầu tư nâng cấpphần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp được kết nối giữa ngành lao động – thương binh & xã hội với các cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm tiếp nhận và giải quyết nhanh quyền lợi của người lao động trong việc hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; giảm bớt thủ tục hành chính và kiểm tra, kiểm soát kịp thời việc thực hiện các chính sách, tránh tình trạng gian lận trục lợi đã từng diễn ra.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()