Lào Cai: Phát huy hiệu quả các dự án từ nguồn viện trợ phi chính phủ
Những năm qua, nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển và góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo tại tỉnh Lào Cai.
Đánh giá cao vai trò của nguồn vốn NGO trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trong những năm qua UBND tỉnh Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện việc quán triệt các văn bản của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao về hoạt động, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài đầy đủ tới các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hàng năm, theo định kỳ đều có sự kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức quán triệt thực hiện các văn bản của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương. Từ đó đã mang lại hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lào Cai và ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ theo đúng trình tự quy định của tỉnh và Nhà nước.
Thư viện của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp dạy nghề |
Với việc duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với các tổ chức NGO truyền thống và vận động NGO mới, nguồn vốn của các tổ chức này ngày càng đến với Lào Cai nhiều hơn, góp phần thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau vì mục tiêu phát triển. Đến nay, Lào Cai đã có 15 tổ chức NGO được Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cấp phép hoạt động tại địa phương. Cụ thể như các tổ chức Bftw (Đức), Oxfam (Anh), SNV (Hà Lan), Samaritan's Purse(Mỹ), Global Care (Hàn Quốc)… Ngoài ra, Lào Cai còn nhận được sự giúp đỡ, tài trợ từ một số Đại sứ quán, hiệp hội và các tổ chức quốc tế khác.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh: công tác xúc tiến, vận động và quản lý các dự án sử dụng viện trợ NGO đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan đầu mối và các đơn vị chuyên ngành có liên quan để quản lý, định hướng các hoạt động viện trợ theo chủ trương của Nhà nước, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Giai đoạn 2010 – 2014, Lào Cai đã vận động được 137 chương trình, dự án và các khoản viện trợ sử dụng nguồn vốn viện trợ NGO với tổng vốn đầu tư đạt trên 241 tỷ đồng, trong đó vốn cam kết của nhà tài trợ đạt 231,8 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 34 chương trình, dự án, khoản viện trợ đang triển khai; đã có 103 dự án, chương trình, khoản viện trợ hoàn thành và lũy kế giải ngân đạt 105,725 tỷ đồng, bằng 43,85 % tổng vốn đầu tư.
Thực tế cho thấy, các chương trình, dự án và các khoản viện trợ của các tổ chức NGO tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nước sạch vệ sinh nông thôn, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ khẩn cấp, nâng cao nhận thức cộng đồng về xoá đói, giảm nghèo… Quá trình giải ngân của các dự án cơ bản được thực hiện theo đúng tiến độ cam kết; nhiều dự án đã hoàn thành và đạt được kết quả theo đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra, mang lại hiệu quả thiết thực: đơn cử như Dự án nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc dựa trên các hoạt động phát triển nông nghiệp bền vững và cải thiện điều kiện sống (giai đoạn 3) do Tổ chức Bftw (Đức) tài trợ.
Tuy nhiên, vấn đề cần tháo gỡ hiện nay đó là, một số dự án NGO đến nay triển khai còn chậm, thời gian kéo dài, chưa đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra nên hạn chế trực tiếp tới đối tượng được hưởng lợi. Một số dự án thiếu báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự án thường xuyên, đầy đủ vì vậy các dự án này chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Số lượng dự án phần lớn có quy mô nhỏ và vừa thường thực hiện trong giai đoạn ngắn (1 năm), không xem xét tài trợ để đầu tư tiếp nhằm phát huy và kế thừa kết quả đã đạt được của giai đoạn trước, do vậy hiệu quả và đầu tư và sử dụng vốn tài trợ chưa thực sự cao, đặc biệt đối với lĩnh vực giảm nghèo.
Đặc biệt, việc áp dụng Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 01/3/2012 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam trong việc cấp mới, gia hạn, bổ sung giấy đăng ký hoạt động cho các tổ chức NGO nước ngoài hoạt động tại Việt Nam còn nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng tới công tác vận động, tiếp nhận các dự án viện trợ NGO.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động viện trợ, sử dụng và quản lý nguồn viện trợ NGO, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần có chế tài xử phạt cụ thể hơn đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị không chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng viện trợ: như thực hiện không đúng nội dung phê duyệt, triển khai chưa có sự phê duyệt của cơ quan thẩm quyền, không chấp hành chế độ báo cáo… gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai rất cần sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương giới thiệu các tổ chức NGO có kinh nghiệm, uy tín và hoạt động lâu năm tại Việt Nam đến tài trợ dự án cho các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn của tỉnh Lào Cai, đặc biệt lĩnh vực nông thôn mới và giảm nghèo bền vững gắn với giảm thiểu tác động môi trường. Tiếp tục tăng cường năng lực cho cán bộ, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội về công tác NGO, về các kỹ năng vận động, xây dựng, quản lý các dự án, các quy định của nhà nước đối với việc sử dụng nguồn tài trợ này. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, kịp thời giải quyết những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các dự án.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()