Lào Cai: Những đồi quýt bạc tỷ nơi huyện vùng cao biên giới
Cây quýt giờ đây không chỉ là cây bạc tỷ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn góp phần thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
15 năm trước, cây quýt bén duyên mảnh đất vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai , từ một người nông dân Tu Dí Làn Mậu Thành, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương.
Chẳng ai nghĩ và cũng chả ai dám tin rằng tại mảnh đất mà ngay cả cây lúa, cây ngô còn “gặt” lấy thất bát này có ngày lại là nơi sinh sôi của cây ăn quả.
Giờ thì hàng trăm gia đình người Tu Dí, Pa Dí, người Dao ở Mường Khương đã chuyển sang trồng quýt.
Những cây giống lần lượt bén rễ, ra hoa, kết trái khắp thị trấn Mường Khương, rồi các xã Tung Chung Phố, Pha Long, Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ… mà người nông dân chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.
Cây quýt giờ đây không chỉ là cây bạc tỷ giúp nhiều hộ thoát được nghèo mà còn góp phần rất lớn thúc đẩy thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguồn lợi lớn từ thu hoạch rải vụ
Những ngày giữa tháng 10, nắng vàng trải đều trên những nương đồi, sườn núi ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Trời xanh, ráo, gió đan qua nương quýt chín trên lưng chừng đồi. Dọc con đường bêtông uốn lượn vắt mình qua các thôn Sả Hồ, Chúng Chải… dễ thấy những đồi quýt sai trĩu quả, hương thơm vấn vít, ngọt ngào.
Người dân tấp nập đóng gói quýt vận chuyển xuống chợ hoặc đưa đi xa theo đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh.
Đây là những đồi quýt chín sớm (thu hoạch từ tháng 8-10) do chính quyền huyện Mường Khương hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc với diện tích 20ha, năng suất trung bình 10 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 150 triệu đồng/ha, mang lại nguồn lợi không nhỏ so với quýt chính vụ.
Trong khi nhiều đồi quýt ở huyện Mường Khương còn đang xanh quả thì trên 2.500 gốc quýt chín sớm của vợ chồng anh Sền Pờ Diu thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương đã cho thu hoạch.
Len lỏi giữa những gốc quýt sai quả, chị Pờ Thị Sen – vợ anh Diu cẩn thận cúi xuống, tay lựa nhẹ nhàng, tay kéo bấm, thảy từng chùm chín vào chiếc gùi trên lưng.
Giống quýt chín sớm được trồng không chỉ mang lại hiệu quả cao gấp 7-10 lần trồng ngô, việc cây quýt cho thu hoạch sớm gần 2 tháng cũng cho giá bán cao hơn nhiều so với chính vụ.
Chị Sen chia sẻ từ năm 2004 đến nay, vườn quýt của gia đình cho thu hoạch ổn định với chất lượng tốt và sản lượng cao.
Hiện vợ chồng chị sở hữu diện tích ước tính 3ha, cứ mỗi 2.000 gốc cho trung bình 20 tấn mỗi năm.
Thu lãi bình quân trong 4 tháng cuối năm đạt khoảng 300 triệu đồng, tiền bán quýt giúp được nhiều việc cho gia đình, vì thế cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: “Cái lợi nhất của quýt chín sớm là dễ bán, dễ thu hoạch, ít bị “dồn ứ” hàng, người dân lại có nguồn thu nhập khá, rải đều trong năm.”
Bên cạnh cây quýt chín sớm và chính vụ, hiện nay huyện Mường Khương cũng đang phát triển thêm cây quýt chín muộn (thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, trùng vào dịp Tết Nguyên đán) với 5ha, năng suất trung bình 12 tấn/ha, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt 300 triệu đồng/ha.
Giống này cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi, giá trị cao.
Huyện biên giới Mường Khương có đặc thù là thiếu nước sinh hoạt và phát triển nông nghiệp. Tuy vậy, quýt và mốt số cây ăn quả có múi lại phát triển phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng của vùng.
Do đó, cũng như gia đình chị Sen, anh Diu, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Pa Dí, Phù Lá, Nùng…. ở các thôn Chúng Chải A, Chúng Chải B, Sả Hồ của thị trấn Mường Khương và các xã Tung Chung Phố, Thanh Bình, Nậm Chảy, Tả Ngải Chồ… chuyển đổi đất ruộng bậc thang thiếu nước hoặc đất đồi trồng ngô sang trồng quýt rải vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo nhanh và bền vững.
Tính đến nay, các xã rẻo cao biên giới của huyện Mường Khương đã có hơn 448ha quýt, hàng năm đưa ra thị trường khoảng 1.200 tấn quả, thu về hơn 20 tỷ đồng.
Điều quan trọng là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao đã phát huy được lợi thế khí hậu, đất đai để xây dựng được vùng hàng hóa có chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, tạo việc làm và nguồn thu ổn định.
Giữ vững thương hiệu quýt Mường Khương
Việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp cây quýt ra quả và chín sớm hơn đã mang lại hiệu quả cao hơn cho người dân.
Cùng với đó, các địa phương trồng quýt cũng đã áp dụng các kĩ thuật canh tác mới theo quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, giá trị của loại quả đặc sản này.
Vườn quýt của vợ chồng anh Diu, chị Sen hiện trồng ba loại quả là cam, quýt đường và quýt sen. Gia đình được nhận chứng nhận quýt sạch theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2018.
“Cả thôn mình sống có hơn 37 hộ trồng quýt thì sản lượng từ vườn nhà mình nhiều nhất thôn và đứng thứ hai ở huyện Mường Khương. Mình chọn theo hướng trồng quýt sạch ngay từ đầu, không cho chất kích thích tăng trưởng hay chất bảo quản,” Sen cho biết.
Hiện nay toàn huyện Mường Khương có 212 ha quýt đạt tiêu chuẩn sản xuất theo VietGAP. Lợi thế của Mường Khương là nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, có tiểu vùng khí hậu ôn đới thích hợp với các loại cây có múi.
Do chênh lệch nhiệt độ giữ ngày và đêm lớn, sương mù và độ ẩm cao nên chất lượng quýt được trồng ở đây vượt trội hơn: quả to, mọng nước, vị ngọt, thơm đặc trưng.
“Hữu xạ tự nhiên hương,” năm nào cũng vậy, thương lái từ các nơi cũng đánh xe vào tận vườn để mua quýt Mường Khương đưa về chợ đầu mối Hà Nội và các tỉnh miền xuôi.
Người nông dân địa phương cũng tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thông qua sàn giao dịch điện tử và quảng bá sản phẩm của mình thông qua các trang mạng xã hội.
Thời gian gần đây, nhiều chủ vườn còn thực hiện kết hợp mô hình tham quan, du lịch vườn để thu hút khách. Do đó, quýt ở Mường Khương luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu.”
Hơn nữa, ông Lê Thanh Hoa cho biết, quýt Mường Khương đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đó là tấm giấy thông hành để sản phẩm nông sản của bà con nông dân vùng cao Mường Khương đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn, nhất là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn.
Tuy vậy, “xây dựng được vùng quýt tập trung đã khó nhưng giữ được thương hiệu chất lượng quýt sạch, an toàn, chất lượng cao còn khó hơn,” ông Hoa nhấn mạnh.
Để giữ vững thương hiệu quýt Mường Khương, ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Khương cho biết, địa phương sẽ tiếp tục duy trì diện tích quýt sản xuât theo tiêu chuẩn VietGAP hiện có đồng thời hướng dân nhân dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ diện tích.
Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm năng cao năng suất chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiệu và nhu cầu thường xuyên của người tiêu dùng.
Cùng với việc xây dựng thương hiệu, hằng năm huyện Mường Khương mở “Lễ hội quýt” kết hợp thu hút khách du lịch và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đồng thời tích cực tham gia các hội chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ quýt cho người dân địa phương.
Ngoài ra, để tránh áp lực khi tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, Mường Khương sẽ tiếp tục phát triển vùng quýt theo hướng tập trung mở rộng diện tích quýt chín muộn để rải vụ sản xuất.
Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ quýt với người sản xuất theo chuỗi giá trị tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()