Lào Cai: Nâng cao hiệu quả cây chuối trên đất đồi dốc
- Chuối là cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Lào Cai. Sản xuất chuối, dứa hiện đang được phát triển tập trung tại huyện Mường Khương, Bảo Thắng và Bát Xát.
Vùng trồng chuối ở Bảo Thắng (Lào Cai) |
Hiệu quả từ cây chuối
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, đến nay, diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh thực hiện được là 1.354 ha, năng suất bình quân 30 tấn/ha, sản lượng thu hoạch hàng năm 36.000 tấn, tập trung lớn tại các huyện: Bát Xát 474 ha; Mường Khương 466 ha; Bảo Thắng 356 ha; các huyện còn lại là 58 ha. Đến nay đã có 4 doanh nghiệp và 562 hộ nông dân phát triển trồng chuối với quy mô trang trại. Điển hình là mô hình doanh nghiệp, nhân dân đã đầu tư thành công trên địa bàn xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng và xã Bản Lầu, huyện Mường Khương.
Thực tế cho thấy, từ những năm 1997 nhân dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đã mạnh dạn đi học kỹ thuật trồng cây chuối mô trên núi cao, mới đầu chỉ trồng được 03 ha cho thấy hiệu quả kinh tế cao sau đó tiếp tục vận động mọi người làm theo. Năm 2004 đã trồng được 04 ha chuối, hàng năm diện tích chuối được tăng lên. Đến nay toàn xã đã có 466 ha chuối và diện tích cho thu hoạch là 200 ha. Năng suất chuối trung bình hàng năm đạt 18 tấn/1ha, sản lượng đạt trên 3.600 tấn với giá bán trung bình là 10.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm đạt khoảng 36 tỷ đồng. Như vậy bình quân đạt 180 triệu đồng/ha chuối đã cho thu hoạch, trừ chi phí đầu tư cho 1 ha khoảng 50 triệu đồng, tính ra mỗi buồng chuối cho thu nhập khoảng 100.000 – 200.000 đồng, cao gấp 5 lần so với trồng ngô và lúa.
Giống chuối trồng tại Lào Cai chủ yếu là giống chuối tiêu hồng được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Công nghệ áp dụng cơ bản theo quy trình chăm sóc cây chuối tiêu hồng, người sản xuất chuối đã biết sử dụng biện pháp tưới nhỏ giọt theo gốc nhằm tiết kiệm nước và áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất theo mô hình trang trại như ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương và xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Qua khảo sát thực tế cho thấy, những năm gần đây, việc phát triển trồng cây chuối ồ ạt chủ yếu là nhân dân tự phát hoặc các doanh nghiệp đầu tư do nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường Trung Quốc và một số tỉnh, thành phố lớn trong nước. Tuy nhiên, đến nay, thị trường tiêu thụ loại quả này vẫn chưa ổn định. Cây giống và công nghệ sản xuất chủ yếu được du nhập từ Trung Quốc nên chưa chủ động được và khó khăn trong quản lý, điều hành đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Mặt khác chính do sự phát triển không theo quy hoạch dẫn tới việc không quản lý được tài nguyên đất.
Bên cạnh đó, giá cả sản phẩm chuối của Lào Cai phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc nên giá cả không ổn định. Bên cạnh đó, sản xuất thu hoạch, vận chuyển và bảo quản sản phẩm chuối đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao, song thực tế sản phẩm sau thu hoạch chưa được chế biến, hầu hết đóng gói nguyên quả (chuối) hoặc bán sản phẩm thô cho thị trường tiêu thụ, chưa có quy trình sản xuất sản phẩm chuối an toàn để xuất khẩu hoặc chế biến tại chỗ. Với cách làm hiện nay thì người dân Lào Cai chưa phát huy hết khả năng cho giá trị kinh tế của cây chuối.
Địa hình khá phức tạp, đồi núi chiếm tới 60% diện tích của tỉnh Lào Cai, cây chuối được trồng chủ yếu trên đất đồi dốc, nên khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là áp dụng cơ giới hóa cho ngành nông lâm nghiệp. Tại các vùng trồng chuối, việc sử dụng quy trình sản xuất sản phẩm an toàn còn hạn chế; lạm dụng phân hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Từ thực trạng trên, việc rà soát hiện trạng đất trồng chuối hiện có trong vùng quy hoạch với nguyên tắc: quy hoạch là không chồng lấn đất, tôn trọng quỹ đất hiện nhân dân đang sử dụng, tỉnh Lào Cai đang xem xét điều chỉnh một số diện tích đất đã quy hoạch cho trồng rừng sản xuất mà nhân dân đang trồng chuối sang quy hoạch đất trồng chuối để ổn định sản xuất trong giai đoạn 2015- 2020 với quy hoạch 1.350 ha. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền cho nhân dân và doanh nghiệp đầu tư vùng trồng chuối trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt.
Song hành cùng với việc địa phương cần ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, chính sách phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; các cơ quan chuyên ngành cần tăng cường quản lý chất lượng cây chuối giống, khuyến cáo cho người dân, doanh nghiệp trồng giống sạch bệnh, có lý lịch rõ ràng, phù hợp với điều kiện đất đai và kế hoạch thu mua của các doanh nghiệp; phục vụ cho phát triển sản xuất, nhu cầu nội tiêu cũng như xuất khẩu; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và phương pháp nhân giống cây vô tính để sản xuất các giống cây trồng sạch bệnh, đảm bảo độ thuần di truyền cao.
Sử dụng các loại phân bón phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, các biện pháp sinh học theo tình hình phát sinh và gây hại của sâu bệnh. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ tiến bộ sau thu hoạch và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của từng khu vực và định hướng phát triển nông nghiệp – nông thôn của tỉnh.
Cần khuyến khích sản xuất theo hình thức trang trại chuyên phát triển chuối hoặc trồng xen canh chuối, dứa. Đẩy mạnh liên kết sản xuất với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua công tác thông tin kinh tế, nhất là các thông tin về thị trường giá cả để các tổ chức kinh tế người sản xuất nắm bắt kịp thời xác định được kế hoạch sản xuất, tiêu thụ một cách nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại cần hỗ trợ người dân việc xây dựng hệ thống dự báo thị trường, tìm nguồn đối tác để thúc đẩy phát triển; kêu gọi, xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ sở tích cực để chuyển hóa chất lượng nguồn lao động; cần đào tạo nâng cao trình độ nguồn lao động tại chỗ của vùng sản xuất chuối; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()