Lào Cai: Làm mới du lịch về cội nguồn để hấp dẫn du khách
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã đánh giá về hiệu quả của Chương trình Du lịch về cội nguồn đối với sự phát triển du lịch của 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ.
PV: Qua 5 năm triển khai liên kết trong Chương trình du lịch về cội nguồn, theo ông đâu là những hiệu quả mà các địa phương đã đạt được?
Ông Trần Hữu Sơn:Trong mấy năm thực hiện liên kết chúng tôi thấy có nhiều hiệu quả. Thứ nhất là sự chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo cả 3 tỉnh cũng như của người dân và các doanh nghiệp. Thứ 2 là người dân tự nguyện tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Ví dụ như ở Mường Lò (Yên Bái) trước kia không có cơ sở du lịch, không có cơ sở lưu trú, nhưng từ khi có Chương trình du lịch về nguồn thì đã phát triển rất mạnh và xuất hiện rất nhiều mô hình người dân tự làm du lịch. Hình thức du lịch cộng đồng đã phát triển mạnh ở cả Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ. Du lịch cộng đồng thực sự đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho các địa phương này.
Sự đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch giúp cho du khách tới 3 tỉnh trên nhiều hơn. Chúng tôi đang hi vọng, năm 2010 có nhiều ngày lễ lớn và đặc biệt là quốc giỗ Hùng Vương và các lễ hội khác, Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ sẽ được mùa du lịch.
PV: Bên cạnh những kết quả trên, thì có những tồn tại nào mà 3 tỉnh cần khắc phục trong thời gian tới để phát huy hơn nữa hiệu quả của Chương trình này?
Ông Trần Hữu Sơn:Tồn tại lớn nhất là sự liên kết của 3 tỉnh chưa thật chặt. Trên thực tế Lào Cai là tỉnh mạnh trong việc thu hút khách quốc tế song 2 địa phương kia chưa được hiệu quả. Thế nhưng, họ lại có thế mạnh về khách nội địa. Khách nội địa đã đến Đền Hùng rồi nhưng chưa lên Yên Bái, Lào Cai thì quả là rất đáng tiếc. Chúng tôi đang tính tới giải pháp làm sao đẩy mạnh liên kết quảng bá hơn nữa để thu hút du khách.
Vấn đề thứ 2 là phải làm sao tránh tư tưởng hình thức chủ nghĩa, tức là chỉ chú ý tới lễ khai mạc, họp báo nói rất hay, hoành tráng nhưng cuối cùng việc tổ chức các hoạt động lại không mạnh, không hấp dẫn đặc biệt nếu không mời được các doanh nghiệp tham gia thì xem như không thành công. Xét cho cùng phải có doanh nghiệp và người dân thì du lịch mới phát triển tốt vì đây là 2 yếu tố vô cùng quan trọng mà Nhà nước không thể làm thay được.
PV: Vậy du lịch về cội nguồn năm nay sẽ có điểm gì mới, thưa ông?
Ông Trần Hữu Sơn:Sau những lần tổ chức, chúng tôi rút ra được bài học là không nên hình thức, tức là không phải chỉ chú ý đêm khai mạc thật hoành tráng, không phải chỉ đánh 1 tiếng trống rồi mãi không thấy tiếng khác. Năm nay, chúng tôi xây dựng chương trình độc đáo suốt cả năm, xem khai mạc là mở đầu, nhưng tiếp theo hậu khai mạc như thế nào cho hấp dẫn, phải có những chương trình, sản phẩm du lịch mới so với những lần trước và khác lạ giữa các tỉnh với nhau thì mới phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng du lịch của cả 3 địa phương.
Chúng tôi nhận thấy là 3 tỉnh nên có sản phẩm du lịch chung dọc theo đường 32 suốt từ Phú Thọ lên Yên Bái, thậm chí có thể nối sang Lai Châu, Sapa, Bắc Hà, Hà Giang. Tuyến đường đó rất đẹp và sẽ rất hấp dẫn du khách nếu mỗi tỉnh chủ động xây dựng các cơ sở hạ tầng cho du lịch tốt ví dụ như: hệ thống cơ sở lưu trú, các điểm dừng chân tại các bản làng…
Hơn nữa, chúng tôi có ruộng bậc thang nổi tiếng và sẽ phát triển thế mạnh này. Chúng tôi sẽ tổ chức Những ngày văn hóa trên ruộng bậc thang. Chúng tôi kỳ vọng thu hút được nhiều du khách đến xem. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới việc bảo tồn các di tích văn hóa, các đền chùa của địa phương vì đây cũng là những nơi thu hút một lượng lớn du khách trong dịp lễ hội đầu năm.
Tìm những nét đặc sắc của 3 tỉnh để khai thác và phát triển thì chúng tôi đã thiết kế được chương trình du lịch chuyên về chợ, tức là đi toàn bộ chợ phiên, từ chợ quê ở Phú Thọ đến chợ phiên Yên Bái, Lào Cai để cho du khách khám phá những nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cao.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ý kiến ()