Lào Cai đóng cửa biên giới với gia cầm
Việc áp dụng biện pháp "nội bất xuất, ngoại bất nhập" đối với gia cầm không rõ nguồn gốc được Lào Cai thống nhất trong hoàn cảnh địa phương vùng biên này cũng đã bùng phát cúm A/H5N1.
Tại hội nghị bàn biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H5N1 và phòng, chống cúm A/H7N9 xâm nhập vào nội địa, UBND tỉnh Lào Cai đã thống nhất giải pháp siết chặt kiểm tra theo hình thức “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu quản lý chặt chẽ việc lưu thông gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vào nội địa và không giấu dịch, vận chuyển gia cầm vùng dịch ra khỏi địa bàn để dịch lây lan, khó kiểm soát.
Kiểm tra các phương tiện qua chốt kiểm dịch động vật huyện Sa Pa (Lào Cai). |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Dương yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch, nhất là dịch cúm A/H7N9. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần kiên quyết kiểm soát, xử lý vận chuyển lưu thông, buôn bán gia cầm nhập lậu; tăng cường hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm dịch. Toàn bộ 14 đường mòn, lối mở bất hợp pháp dọc tuyến biên giới được UBND tỉnh yêu rào chốt lại ngay.
Từ 10 đến 22/2, tại Lào Cai, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đã xảy ra ở 24 hộ chăn nuôi làm hơn 10.000 con gia cầm mắc bệnh và phải tiêu hủy, tăng thêm 3 thôn có dịch và hơn 4.000 con gia cầm bị tiêu hủy kể từ sau thời điểm công bố dịch ngày 14/2. Trong vòng một tuần qua, các chốt kiểm dịch, cơ động đã bắt giữ, xử lý và tiêu huỷ gần 1.400kg gà, hơn 400 con gà thịt và ngan, ngỗng giống, 5.400 quả trứng.
Trong khi đó, theo thông tin tổng hợp từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 22/2, cả nước có 53 ổ dịch (85 hộ chăn nuôi) tại 17 tỉnh có dịch Cúm gia cầm. Các địa phương có ổ dịch mới phát sinh là Nghệ An, Hà Tĩnh và Cần Thơ. Số gia cầm mắc bệnh, chết là hơn 55.000 con, toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu huỷ.
Theo VnExpress
Ý kiến ()