Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo
LSO-Sáng nay (3/12), lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), sách giáo khoa (SGK) mới trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành…
Để chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình GDPT, SGK mới, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GDĐT, các đơn vị trực thuộc đưa nội dung về chuẩn bị cho triển khai thực hiện chương trình, SGK vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, trong đó, phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên bồi dưỡng 501 giáo viên cốt cán thuộc các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh về chương trình GDPT; đào tạo, tuyển dụng giáo viên Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã tích cực chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất như: bàn ghế, phòng tin học, phòng ứng dụng công nghệ thông tin và quy hoạch mạng lưới trường, lớp.
Đến nay, cấp tiểu học có tổng số 3.466 phòng học kiên cố và bán kiên cố; sắp xếp, sáp nhập 60 cặp trường, dồn 25 điểm trường lẻ vào điểm trường chính ở cấp tiểu học, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Sau khi nghe báo cáo công tác chuẩn bị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm về: các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; sắp xếp, điều chỉnh cán bộ quản lý, giáo viên; những khó khăn và phương án cần tập trung thực hiện…
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Sở GD&ĐT chưa thực sự chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh để triển khai Chương trình GDPT, SGK mới trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí nhấn mạnh “Trên am tường, dưới thông tỏ” là tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh với chương trình GDPT, SGK mới. Ngành GD&ĐT cần nêu cao trách nhiệm, chủ động quyết liệt trong tham mưu, sâu sát thực tiễn dạy và học, số liệu phải cụ thể, chính xác kèm theo các phân tích, đánh giá, giải pháp tham mưu cho UBND tỉnh để vừa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương vừa phù hợp với điều kiện thực tế dạy và học ở địa phương. Lãnh đạo Sở GD&ĐT cần dự đầy đủ các hội nghị chuyên môn liên quan đến đổi mới chương trình GDPT, SGK mới.
Mặt khác, Sở GD&ĐT cần tăng cường phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về đổi mới SGK, tạo đồng thuận trong nhân dân, phụ huynh, học sinh; nghiên cứu kỹ hệ thống văn bản để triển khai đầy đủ nội dung các văn bản liên quan và tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung công việc cần làm đối với từng sở, ngành, bộ phận.
Trong quý I năm 2020, Sở GD&ĐT cần xây dựng và trình UBND tỉnh Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT, SGK mới giai đoạn 2020-2025 và Đề án về cơ sở vật chất, trang thiết bị giai đoạn 2020-2025.
Để lựa chọn SGK mới phù hợp, Sở GD&ĐT cần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đánh giá dựa trên các tiêu chí và phù hợp với hoạt động của các cơ sở giáo dục, học sinh. Đồng thời chủ động biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, đặc biệt là cấp tiểu học.
Ngay trong tháng 12/2019, Sở GD&ĐT cần tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình GDPT, SGK trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí yêu cầu các sở, ngành liên quan chủ động, tích cực phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình GDPT, SGK mới.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()