Lãnh đạo UBND tỉnh khảo sát vùng trồng chế biến thạch đen tại huyện Tràng Định
– Ngày 3/8, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra, khảo sát vùng trồng, một số cơ sở chế biến thạch đen; khảo sát tuyến đường giao thông nông thôn Khuổi Vai xã Đề Thám – Pàn Dào, Kéo Vèng, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định.
Theo báo cáo của UBND huyện Tràng Định, tính đến giữa năm 2021 toàn huyện có 5.469 hộ trồng thạch tại 21 xã, với diện tích trồng 1.868 ha tương đương 74,7% kế hoạch (kế hoạch trồng 2.500 ha), sản lượng ước đạt 10,3 nghìn tấn.
Về cấp mã số vùng trồng, cơ quan chuyên môn của huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp 104 mã tại 15 xã với diện tích hơn 505 ha; hoàn thiện hồ sơ cấp mã số cơ sở đóng gói cho 58 hộ dân, doanh nghiệp hợp tác xã. Đến nay, cơ quan có thẩm quyền đã cấp 101 mã số vùng trồng với diện tích hơn 453 ha và cấp mã số đóng gói cho 4 doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại cơ sở chế biến thạch đen tại thôn Khuổi Sỏ, xã Kim Đồng
Hiện nay, việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm thạch đen được huyện quan tâm, ngoài việc tiêu thụ trong nội địa, một số doanh nghiệp đã chế biến thạch dưới dạng bột phục vụ xuất khẩu đến các thị trường như: Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Trung Quốc và Malaysia với sản lượng mỗi ngày ước đạt 4 tấn.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương đề nghị UBND huyện khẩn trương quy hoạch vùng trồng; tuyên truyền, vận động các hộ, hợp tác xã đã được cấp mã số vùng trồng thực hiện trồng theo đúng cam kết nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm; quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm thạch đen Tràng Định gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao giá trị thạch đen trên thị trường.
Đoàn công tác khảo sát vườn trồng thạch đen tại xã Tri Phương
Liên quan đến công trình đường giao thông nông thôn Khuổi Vai, xã Đề Thám – Pàn Dào, Kéo Vèng, xã Kim Đồng, đây là công trình đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2014 với chiều dài 8,8 km nhưng dự án dừng triển khai từ năm 2016. Đến năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục ghi vốn để triển khai, tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đầu tư, UBND huyện Tràng Định kiến nghị tỉnh cho phép huyện điều chỉnh bổ sung thêm 3,6 km vào dự án để kết nối giữa quốc lộ 3B với đường tỉnh 226.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tràng Định là huyện có dư địa rất lớn để biến cây thạch đen trở thành sản phẩm hàng hóa nông sản chất lượng cao của tỉnh, bức tranh tổng thể về phát triển cây thạch đen của huyện là rất đáng mừng.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi kiểm tra
Để phát triển cây thạch đen bảo đảm ổn định, bền vững trong thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện Tràng Định khẩn trương quy hoạch vùng trồng trọng điểm, đẩy mạnh tuyên truyền bà con tiếp tục mở rộng vùng trồng và thực hiện nghiêm quy trình sản xuất an toàn; phối hợp đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng trồng; thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Ngoài ra, UBND huyện phối hợp với các ngành để nghiên cứu bảo tồn giống thạch đen từ đó xây dựng các vườn giống phục vụ phát triển cây thạch đen một cách bền vững.
Đối với dự án đường giao thông nông thôn Khuổi Vai, xã Đề Thám-Pàn Dào, Kéo Vèng, xã Kim Đồng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình với đề xuất điều chỉnh dự án và giao Sở Giao thông – Vận tải và UBND huyện Tràng Định hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2023.
Trong khuôn khổ chương trình khảo sát, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã khảo sát cơ sở chế biến thạch đen của Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất khẩu Đức Quý tại xã Kim Đồng và Công ty TNHH Một thành viên Nông sản Hải Bình, xã Đề Thám; khảo sát vùng trồng thạch đen tại xã Tri Phương.
Ý kiến ()