Lãnh đạo thôi chức vụ trong quân đội không lập DN ở lĩnh vực trước quản lý
Trong thời gian 12 tháng, kể từ khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Ảnh minh họa |
Đó là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 80/2021/TT-BQPcủa Bộ Quốc phòng quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ; quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Thông tư nêu rõ, người có chức vụ, quyền hạn quy định là người trực tiếp thực hiện công việc tại đơn vị cấp lữ đoàn và tương đương trở lên, thuộc 5 lĩnh vực: 1- Kế hoạch và đầu tư, tài chính, kinh tế, trang bị, vật tư, hậu cần, kỹ thuật; 2- Thanh tra quốc phòng; 3- Quản lý nghiên cứu đề tài khoa học; 4- Quản lý ngân hàng trong quân đội; 5- Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng thành lập hoặc được giao quản lý; người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN do Bộ Quốc phòng quản lý.
Trong thời gian 12 tháng, kể từ khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội công tác thuộc lĩnh vực được nêu trên không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Nhiều nhóm ngành phải chuyển đổi vị trí công tác 5 năn/lần
Theo đó, cán bộ tham mưu gồm các ngành: Quân số, chính sách, trang bị, tuyển sinh quân sự, vật chất huấn luyện từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; cấp các loại văn bằng chứng chỉ, tuyển sinh, khảo thí đối với các học viện, nhà trường trong quân đội.
Cán bộ chính trị gồm các ngành: Nhân sự, đào tạo, tuyển dụng, quản lý vật tư công tác đảng, công tác chính trị, thi đua khen thưởng, chính sách, bảo hiểm từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên.
Cán bộ hậu cần gồm các ngành: Xăng dầu, quân nhu, doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên.
Cán bộ quân y đảm nhiệm các công việc: Cấp giấy chứng nhận hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của Cục Quân y/TCHC, thanh toán BHYT; giám sát cung ứng các loại thuốc, dược liệu, vật tư y tế của các bệnh viện trong quân đội.
Cán bộ tài chính đảm nhiệm các công việc: Kế hoạch ngân sách; quản lý ngân sách chi thường xuyên, quản lý ngân sách chi đầu tư; nghiên cứu chế độ quản lý, chế độ chính sách; kế toán; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý giá; quản lý tài sản công, dự trữ quốc gia; quản lý BHXH, BHYT từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên.
Cán bộ kỹ thuật gồm các ngành: Quản lý vật tư kỹ thuật từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên. Quản lý, đăng kiểm các loại phương tiện; đăng ký phương tiện; cấp, đăng ký, giấy phép điều khiển phương tiện đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Cán bộ khối thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, cửa khẩu thuộc các nhóm ngành, ngành: Thanh tra viên; kiểm toán viên; điều tra viên; trinh sát viên; cảnh sát viên thuộc các lĩnh vực: Kinh tế, chống tham nhũng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống tội phạm ma túy, tội phạm về môi trường và trật tự xã hội; thẩm tra viên thi hành án dân sự thuộc cơ quan quản lý thi hành án, cán bộ cửa khẩu.
Cán bộ thuộc các nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế, kế hoạch và đầu tư đảm nhiệm các công việc: Quản lý doanh nghiệp; đấu thầu và quản lý đấu thầu; thẩm định các dự án.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định nhân viên thuộc nhiều nhóm ngành cũng phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.
Thông tư nêu rõ, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong quân đội là 5 năm (đủ 60 tháng) liên tục.
Ý kiến ()