Lãnh đạo tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
LSO-Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Chi Lăng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Nhờ trồng ớt, năm 2016 gia đình anh Vy Quốc Việt, thôn Làng Đăng, xã Quang Lang thu nhập trên 30 triệu đồng |
Đồng chí Hoàng Minh Trường, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng, cho biết: Thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 25, ngày 27/7/2016 về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế nông, lâm nghiệp – thủy sản bình quân giai đoạn đạt 10-12%; cơ cấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp – thủy sản chiếm 30%; thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác đạt trên 100 triệu đồng/ha; nâng cao hiệu quả kinh tế đồi rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt 52%; phấn đấu 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chỉ đạo UBND huyện xây dựng chương trình tái cơ cấu, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện. Đến hết năm 2016, có 21/21 xã, thị trấn đều hoàn thiện kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo nghị quyết tái cơ cấu của huyện, lĩnh vực trồng trọt, ưu tiên đầu tư phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông sản có thế mạnh, như: vùng na, tập trung phát triển tại 8 xã, thị trấn với quy mô 1.400 ha; vùng thuốc lá, phát triển tại 6 xã với quy mô 600 ha trở lên; vùng ớt, tập trung tại 7 xã với quy mô 200 ha trở lên…
Đối với lâm nghiệp, phát triển vùng trồng thông tại 6 xã với quy mô trên 12.000 ha; vùng keo, bạch đàn, tập trung phát triển tại 9 xã, thị trấn với quy mô trên 14.000 ha. Lĩnh vực chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tiếp tục phát triển chăn nuôi các loài vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Nghị quyết sát với thực tiễn, hợp với lòng dân, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Anh Vy Quốc Việt, thôn Làng Đăng, xã Quang Lang chia sẻ: Năm 2016 gia đình tôi trồng 2 sào ớt, thu nhập khoảng 30 triệu đồng, còn năm nay nâng lên trồng 4 sào, hiện cây đang phát triển tốt, hy vọng thu nhập sẽ tăng lên; ngoài trồng ớt, tôi trồng thêm khoai tây. Luân canh cây trồng theo định hướng, không để đất nghỉ, thu nhập của gia đình anh Việt tăng lên rõ rệt.
Chị Vy Thị Dỉnh, ở thị trấn Đồng Mỏ, năm 2016 cũng thu nhập trên 50 triệu đồng từ cây ớt, chị cho biết: Năm nay gia đình tiếp tục trồng 4 sào, đây cũng là năm thứ 5 tôi trồng loại cây này, theo đúng định hướng của cấp ủy, chính quyền. Năm 2016, nhờ có doanh nghiệp đến thu mua, giá cả cũng cao, giao động từ 50 đến 60 nghìn đồng/1kg, nên gia đình thu nhập khá hơn mọi năm. Nếu giá cả ổn định gia đình tiếp tục phát triển cây ớt với diện tích lớn hơn.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Với những giải pháp cụ thể, Chi Lăng đã và đang phát huy được tiềm năng lợi thế của mình, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đó cũng chính là nền tảng để xây dựng nông thôn mới bền vững. Kết thúc năm 2016, toàn huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Bí thư Huyện ủy Hoàng Minh Trường, thời gian tới, Huyện ủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia có hiệu quả trong triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của huyện; nâng cao chất lượng quy hoạch; triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu đến năm 2020 đạt và vượt mục tiêu nghị quyết của huyện đề ra.
PHÙNG KHIÊM
Ý kiến ()