Lãnh đạo Iraq nhất trí tiếp tục đối thoại tháo gỡ bế tắc chính trị
Các bên đã nhất trí về một số điểm, trong đó có cam kết tìm kiếm một giải pháp thông qua tiếp tục đối thoại “nhằm xây dựng một lộ trình hợp hiến và hợp pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.”
Hàng trăm người biểu tình tập trung tại tòa nhà Quốc hội Iraq ở thủ đô Baghdad nhằm phản đối việc đề cử ông Mohammed Shia’ al-Sudani vào vị trí Thủ tướng nước này, ngày 31/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 17/8, các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt tại Iraq, ngoại trừ giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi’ite Moqtada al-Sadr, đã nhất trí hợp tác về một lộ trình nhằm chấm dứt bế tắc chính trị ở nước này sau các cuộc đối thoại do Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi kêu gọi.
Trong thông báo, Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết các bên đã nhất trí về một số điểm, trong đó có cam kết tìm kiếm một giải pháp thông qua tiếp tục đối thoại “nhằm xây dựng một lộ trình hợp hiến và hợp pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.”
Các bên tham gia cũng kêu gọi chấm dứt tất cả các hình thức leo thang căng thẳng chính trị, hối thúc những người ủng hộ giáo sỹ al-Sadr tham gia đối thoại toàn quốc.
Theo thông báo, các bên cũng không loại trừ khả năng tiến hành bầu cử sớm. Đàm phán có sự tham gia của Tổng thống Iraq Barham Saleh, Chủ tịch Quốc hội Mohammed al-Halbussi, đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Iraq Jeanine Hennis-Plasschaert, 2 cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki và Haider al-Abadi, cùng lãnh đạo các lực lượng chính trị tại Iraq.
Giáo sỹ al-Sadr từng lãnh đạo các phong trào dân quân chống Mỹ, có hàng triệu tín đồ trung thành. Những người ủng hộ ông đã biểu tình ngồi trước tòa nhà Quốc hội từ ngày 30/7 vừa qua để phản đối đề cử ông Mohammed Shia ‘al-Sudani làm Thủ tướng Iraq.
Trong tuyên bố ngày 3/8, ông al-Sadr yêu cầu giải tán cơ quan lập pháp và tổ chức bầu cử lại, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục biểu tình ngồi cho đến khi các yêu cầu được đáp ứng.
Iraq vẫn đang chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế-xã hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, trong đó đảng của ông al-Sadr đã giành được nhiều ghế nhất, với 73/329 ghế tại Quốc hội Iraq.
Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shi’ite trong thời gian qua đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ mới, do quốc hội không bầu được tổng thống mới với 2/3 số phiếu cần thiết theo Hiến pháp.
Toàn bộ các nghị sỹ thuộc đảng của ông al-Sadr đã rút khỏi Quốc hội. Nếu được bầu, tổng thống mới sẽ chỉ định thủ tướng do liên minh lớn nhất trong quốc hội đề cử đứng ra thành lập một chính phủ mới nhiệm kỳ 4 năm tới./.
Ý kiến ()