Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 46 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, chiều 2-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi ở và làm việc của Người tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
* Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích K9 – Đá Chông
Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu di tích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh anh chị em đã làm tốt công tác đón tiếp đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đến với Khu di tích ngày càng nhiều hơn, thể hiện tình cảm kính yêu đối với Bác. Anh, chị em trong Khu di tích ngày càng thấm thía tư tưởng, tình cảm của Bác, tích cực học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Tổng Bí thư nêu rõ: Năm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phấn khởi kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9; cũng là năm thứ 46 Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng. Đây là dịp để ôn lại tư tưởng, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấm thía những lời dạy của Người để học tập và làm theo. Đề cập đến Tuyên ngôn Độc lập, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đây là một văn kiện bất hủ; sản phẩm của một tư tưởng, một trí tuệ, một tâm hồn, một nhân cách lớn của đất nước ta, dân tộc ta; kết tinh tất cả những tư tưởng vĩ đại về độc lập, tự do cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân; quyền bình đẳng, quyền tự do của con người. Tư tưởng của Tuyên ngôn rất phong phú, nhiều mặt. Bác đã nói lên quyết tâm đấu tranh giành và giữ cho được độc lập, tự do của Tổ quốc; phấn đấu làm hết sức mình mang lại quyền lợi, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Bác nói, phải đem tất cả tinh thần và lực lượng để giữ cho được quyền tự do, độc lập ấy. Vậy trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay và thế hệ mai sau là làm tất cả những gì có thể làm được theo lời dạy của Bác, giữ gìn cho được giang sơn, gấm vóc này; quyết tâm xây dựng, phát triển đất nước ngày càng tươi đẹp. Đây cũng là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là mong ước, nguyện vọng của nhân dân và lý tưởng của Bác Hồ”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Năm nay, toàn Đảng tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Hai yêu cầu lớn đặt ra là làm sao tất cả các cấp, các ngành quán triệt cho được tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đi đúng con đường Bác Hồ kính yêu đã vạch ra; đồng thời các đại hội sáng suốt lựa chọn, bầu những người thật sự có đức, có tài, thật sự vì Đảng, vì dân, vì nước vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đây là nhân tố quyết định thành công của đất nước, của Đảng, của dân tộc. Tổng Bí thư chỉ rõ: Có đường lối đúng, đồng thời phải có cán bộ tốt, cán bộ trung kiên, tuyệt đối vì Đảng, vì dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Tổng Bí thư chia sẻ: Mỗi lần đến Khu di tích không chỉ tham quan, mà còn để học tập, tự kiểm nghiệm, nghĩ về công việc của mình. Đồng chí mong muốn cán bộ, nhân viên Khu di tích, bằng tất cả tình cảm của mình, tiếp tục truyền đạt những tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người đến với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế; tích cực học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Càng gần Bác, càng phải gương mẫu, cả trong công việc chung cũng như trong đời thường, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng một tập thể thương yêu, đoàn kết tốt.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67, thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Sau khi thắp nén hương tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu di tích. Chủ tịch nước mong rằng, với tất cả tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, cán bộ, nhân viên Khu di tích sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, gìn giữ, bảo quản, phát huy giá trị những hiện vật quý giá, gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Sáng 3-9, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã thắp nén hương thơm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
* Ngày Quốc khánh 2-9, tại Khu di tích K9 – Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) diễn ra Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo nhân dân.
Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi công ngày 17-3-2014, sau hơn một năm khẩn trương xây dựng, đã được hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, mỹ thuật, kỹ thuật, xứng tầm giá trị của Khu di tích lịch sử K9 – Đá Chông. Công trình mang phong cách kiến trúc truyền thống, một tầng, hai mái thượng và hạ; mặt bằng nhà hình vuông, diện tích 441 m2, chiều cao từ nền lên đỉnh mái là 11,87 m. Nền nhà lát đá hoa cương, mái lợp ngói mũi hài Giếng Đáy; phần thân nhà (cột, kèo, hoành, rui) bằng gỗ lim theo kết cấu kiến trúc cổ. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc và bệ tượng thờ bằng đá đỏ Bá Thước (Thanh Hóa), ngôi sao vàng và búa liềm sử dụng đá vàng của tỉnh Nghệ An. Trong khuôn viên Nhà tưởng niệm có hai nhà bia làm bằng gỗ lim, diện tích 20,25 m2 cùng hai tấm văn bia bằng đá quý cô-rin-đôn của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Sân, thềm, đường, bậc cấp lát bằng đá gran-nít Phú Yên; lan can đá bao quanh sân bằng đá cẩm thạch Yên Bái; chiếu sen bằng đá sa thạch Đà Nẵng. Có thể nói, những vật liệu, chất liệu tốt nhất từ mọi miền của Tổ quốc đã được sử dụng xây Nhà tưởng niệm, đó cũng là niềm thành kính, biết ơn của nhân dân cả nước dâng lên anh linh Người. Bên trong Nhà tưởng niệm, chính giữa là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên là bức đại tự với dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; bên cạnh đó là các di ngôn, câu đối nói lên tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; lòng biết ơn, niềm tự hào của nhân dân ta với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Khu di tích K9 – Đá Chông là một địa danh đặc biệt, gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh cả khi Người còn sống và khi Người đã qua đời. Trong những năm qua, Khu di tích đã đón tiếp hơn một triệu lượt người đến dâng hương tưởng niệm. Năm 2010, Bộ Chính trị đã đồng ý đưa Khu di tích K9 thành nơi tham quan, du lịch phục vụ nhân dân và khách quốc tế, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Vì vậy, công trình Nhà tưởng niệm mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và chính trị to lớn; là nơi đồng bào, chiến sĩ cả nước, các vị khách quốc tế tới tham quan, tưởng niệm; góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, truyền bá và nâng cao giá trị, đạo đức và nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí yêu cầu Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung triển khai tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn, tổ chức chu đáo việc đón tiếp khách tham quan; đề nghị thành phố Hà Nội, nhất là Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì thường xuyên phối hợp, bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo Khu di tích K9.
Sau lễ cắt băng khánh thành, các đại biểu đã tham dự Lễ giỗ Bác và trồng cây lưu niệm tại khu vực Nhà tưởng niệm.
* Sáng 3-9, tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc Khu di tích Kim Liên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn đã tổ chức Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 46 theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc, gồm: Lễ khai quang, Lễ yết cáo, Lễ đại tế và Lễ tạ.
Tại buổi lễ, đại diện Tỉnh ủy, UBND và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn, xã Kim Liên; lãnh đạo Quân khu 4; cán bộ, nhân viên Khu di tích Kim Liên; đại diện dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã thành kính dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nguyện tiếp tục đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn; đoàn kết, phấn đấu xây dựng đất nước, quê hương Nghệ An và huyện Nam Đàn ngày càng giàu mạnh… Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 46 còn được tổ chức ở một số di tích liên quan như: Nhà thờ dòng họ Nguyễn Sinh, Nhà thờ dòng họ Hoàng Xuân, quê nội và quê ngoại Bác Hồ.
Cũng trong sáng 3-9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thành tổ chức Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác thuộc xã Vĩnh Thành, nơi ngày 10-12-1961, Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Thành.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()