Lãnh đạo Cấp cao Đông Á ra tuyên bố về phục hồi bền vững
EAS khuyến khích các nước thành viên sử dụng cơ hội phục hồi để hợp tác cùng nhau và với các nước khác nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; trao đổi quan điểm về các chiến lược, mô hình kinh tế.
Ngày 27/10, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16 đã ra tuyên bố về phục hồi bền vững, trong đó cam kết chống các tác động của đại dịch COVID-19 thông qua các nỗ lực cởi mở, hòa nhập, không phân biệt đối xử và minh bạch, đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác quốc tế cũng như với các bên liên quan.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, EAS khuyến khích các nước thành viên sử dụng cơ hội phục hồi để hợp tác cùng nhau và với các nước khác nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; trao đổi quan điểm về các chiến lược, mô hình và khuôn khổ kinh tế liên quan đến tăng trưởng bền vững, trong đó có kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.
EAS tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc triển khai Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và Kế hoạch thực hiện; ủng hộ ASEAN thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước đối tác đối thoại thông qua cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm.
EAS cam kết tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng năng lượng với giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững, hiện đại và tăng cường hợp tác về các mô hình phát thải thấp, sáng tạo mới nổi, cũng như về các công nghệ năng lượng sạch, hiệu quả và tái tạo, nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 7, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
EAS nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng và phát triển bền vững như chia sẻ các thực tiễn tốt nhất về xây dựng và thực hiện phát triển các chiến lược phát thải khí nhà kính (GHG) thấp, các giải pháp lưu trữ năng lượng, khử carbon, thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS)…
EAS cũng tuyên bố hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực bảo tồn, bảo vệ và vận động cho việc sử dụng bền vững đa dạng sinh học; các nỗ lực của hiệp hội này nhằm tăng cường khả năng chống chịu với các thảm họa thiên tai.
EAS cũng đặt mục tiêu nắm bắt các cơ hội do Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR) mang lại nhằm tăng tốc chuyển đổi số và thúc đẩy quá trình chuyển đổi các nền kinh tế trong khu vực theo hướng phát thải thấp, thích ứng với khí hậu.
Ngoài việc tăng cường hợp tác khu vực nhằm thúc đẩy khoa học và công nghệ, kích thích đổi mới sáng tạo với mục đích tăng khả năng cạnh tranh, EAS cũng khuyến khích các nước thành viên huy động khu vực công và tư, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác nhằm hỗ trợ phát triển các thành phố thông minh theo hướng thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững.
EAS cam kết tăng cường hợp tác kết nối hàng hải trong khu vực; giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương bằng cách thúc đẩy sử dụng bền vững nhựa, quản lý tích hợp đất đai, các khu vực biển và ven biển, các phương pháp tiếp cận nhằm giảm rác thải nhựa và thực hiện Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025.
EAS cũng bắt tay thúc đẩy hợp tác nhằm tăng cường tính bền vững và năng lực của khu vực tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), ngư dân đánh bắt thủ công và quy mô nhỏ, nông dân sản xuất nhỏ và các đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Ngoài ra, EAS cũng cam kết thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào các hành động vì khí hậu; hỗ trợ thanh niên tham gia và lãnh đạo các hoạt động và dự án, trong các nỗ lực quốc gia nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()