Lãnh đạo các nước thành viên SCO ký tuyên bố Samarkand
Các nước thành viên SCO đưa ra tuyên bố về bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu, an ninh năng lượng quốc tế, đối phó với biến đổi khí hậu và duy trì chuỗi cung ứng an toàn, ổn định và đa dạng.
Ngày 16/9, lãnh đạo các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã ký và công bố Tuyên bố Samarkand của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia SCO.
Bên cạnh đó, hội nghị lần thứ 22 của Hội đồng nguyên thủ quốc gia SCO cũng đưa ra các tuyên bố về bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu, an ninh năng lượng quốc tế, đối phó với biến đổi khí hậu và duy trì chuỗi cung ứng an toàn, ổn định và đa dạng.
Theo tuyên bố chung, các nước thành viên SCO kêu gọi tạo ra thị trường năng lượng quốc tế minh bạch và giảm bớt các rào cản thương mại hiện hành nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Điện Kremlin dẫn tuyên bố cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng nhau tạo ra một thị trường năng lượng quốc tế công khai, minh bạch và hiệu quả, giảm bớt các rào cản thương mại, tránh biến động quá mức về giá năng lượng trên thế giới, duy trì thị trường năng lượng quốc tế lành mạnh, ổn định và lâu dài.”
Lãnh đạo các nước SCO cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng và đảm bảo quyền của tất cả các nước đối với an ninh năng lượng và quyền của người dân được sử dụng các dịch vụ của ngành năng lượng.
Tuyên bố đồng thời cho rằng việc đạt được an ninh năng lượng là cơ sở để đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định xã hội, an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuyên bố cũng kêu gọi thiết lập một hệ thống quản lý tài nguyên năng lượng toàn cầu công bằng và hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước SCO cũng kêu gọi “cân bằng” giữa giảm lượng khí thải carbon và cho phép các quốc gia nghèo hơn bắt kịp các nước phát triển về kinh tế. Các nước thành viên SCO đều nhất trí về những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu và sự cần thiết của việc thực thi các hành động khẩn cấp.
Cũng tại hội nghị, các nước thành viên đã ký Bản ghi nhớ về nghĩa vụ tư cách thành viên SCO của Iran. Hội nghị đã bắt đầu tiến hành các thủ tục để Belarus gia nhập SCO, đồng thời công bố Ấn Độ là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên SCO trong năm 2022-2023.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 22, các nhà lãnh đạo các nước thành viên đã tiến hành các cuộc hội đàm song phương và đa phương quan trọng, trong đó có cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo hãng tin TASS của Nga, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh SCO ở thành phố Samarkand, Uzbekistan, Thủ tướng Modi nhấn mạnh đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã gây ra nhiều gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến thế giới phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng chưa từng có. SCO cần nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng đa dạng, bền vững và đáng tin cậy trong khu vực. Điều này đòi hỏi các nước có sự trao đổi và phối hợp hiệu quả.
Thủ tướng Modi đã kêu gọi tăng cường kết nối và biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất, đồng thời nhấn mạnh đến các mô hình kinh doanh khởi nghiệp và sáng tạo của Ấn Độ.
Theo ông, Ấn Độ tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất, tập trung vào mô hình phát triển lấy con người làm trung tâm. Hiện Ấn Độ đang hỗ trợ đổi mới trong mọi lĩnh vực và hiện cả nước có hơn 70.000 công ty khởi nghiệp, trong đó có hơn 100 kỳ lân.
Thủ tướng Modi bày tỏ vui mừng khi Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Ngoài ra, ông tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ đi đầu trong việc thành lập một ủy ban công tác SCO mới về các phương thuốc cổ truyền./.
Ý kiến ()