Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp nhận đá chủ quyền quần đảo Trường Sa
Đồng bào dân tộc Gié Triêng xem gian trưng bày đá chủ quyền quần đảo Trường Sa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. ( Ảnh: VĂN HẢI )* Gặp mặt truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày * Tổ máy 1 Nhà máy thủy điện Đác R'tíh hòa lưới điện quốc giaTối 28-8, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) đã tổ chức Lễ tiếp nhận đá chủ quyền quần đảo Trường Sa do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng.Dự lễ tiếp nhận có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đại diện lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Bộ Quốc phòng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện nghệ nhân các dân tộc, các cán bộ, nhân viên đang sống và làm việc tại khu làng các dân tộc.Lễ trao tặng và tiếp nhận đá chủ quyền Trường Sa là một trong nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng...
|
* Gặp mặt truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày
* Tổ máy 1 Nhà máy thủy điện Đác R'tíh hòa lưới điện quốc gia
Tối 28-8, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) đã tổ chức Lễ tiếp nhận đá chủ quyền quần đảo Trường Sa do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng.
Dự lễ tiếp nhận có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đại diện lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Bộ Quốc phòng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện nghệ nhân các dân tộc, các cán bộ, nhân viên đang sống và làm việc tại khu làng các dân tộc.
Lễ trao tặng và tiếp nhận đá chủ quyền Trường Sa là một trong nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, giáo dục truyền thống yêu quê hương, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của đất nước đối với các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là một nội dung cụ thể của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Hiến tặng đồ dùng, vật dụng, tư liệu về văn hóa dân tộc góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam”. Đá chủ quyền Trường Sa là minh chứng cho cả một quá trình thăng trầm, oai hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thứ trưởng Quốc phòng, Phó Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh: Những phiến đá san hô từ quần đảo Trường Sa được về sống trong lòng 54 dân tộc là những minh chứng vô giá về ý chí dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đây sẽ là hiện vật góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chuyển đá san hô Trường Sa về với đất liền chính là đưa đất thiêng nơi tiền tiêu về trong lòng Tổ quốc; là chuyển lời nhắn nhủ của Tổ tiên, của ông cha và của biết bao hương hồn các anh hùng liệt sĩ cho các thế hệ hôm nay và mai sau về ý thức trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lãnh đạo Quân chủng Hải quân đã trao tặng Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng đại diện các cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam 21 phiến đá chủ quyền của quần đảo Trường Sa, biểu tượng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của quốc gia Việt Nam trên biển đảo quê hương. Đây sẽ là những biểu tượng văn hóa biển đảo Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” của Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
* Ngày 28-8, tại huyện Văn Giang, Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Hưng Yên phối hợp Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng tổ chức hội nghị gặp mặt truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày lần thứ 2, năm 2011. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư, lẵng hoa và quà chúc mừng hội nghị.
Trong không khí ấm tình đồng chí, các đại biểu cùng nhau ôn lại truyền thống cách mạng, những năm tháng chiến đấu anh dũng trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Nhiều đồng chí trong thời gian hoạt động cách mạng đã bị địch bắt, giam cầm, tra tấn hết sức dã man. Song, các chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng kiên trung, chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, biến nhà tù đế quốc thành trường học của những người cộng sản, nuôi dưỡng ý chí, tinh thần yêu nước. Tỉnh Hưng Yên hiện có 987 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày còn sống, trong đó, có 239 đồng chí được tặng Huy hiệu 50 – 60 năm tuổi Đảng, 167 đồng chí được tặng Huy hiệu 30 – 40 năm tuổi Đảng. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tặng Bằng khen ba tập thể, 10 cá nhân có thành tích trong giáo dục truyền thống, chăm sóc người có công, tham gia các phong trào bảo vệ Tổ quốc… Công ty Việt Hưng tặng 30 sổ tiết kiệm tình nghĩa tặng 30 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày có hoàn cảnh khó khăn.
Sáng 28-8, tại Trung tâm Triển lãm mỹ thuật Hải Phòng, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng khai mạc Triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng. Triển lãm trưng bày 240 trong số 275 tác phẩm của các họa sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư thuộc chín tỉnh trong khu vực gửi đến. Bên cạnh các mảng đề tài lớn được các họa sĩ tập trung thể hiện về Đảng, Bác Hồ, các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước…, thì đề tài về nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới và về biển, hải đảo quê hương được các tác giả lựa chọn với nhiều góc nhìn mới và chất liệu thể hiện phong phú.
Ban tổ chức đã trao giải A cho tác phẩm tranh “Múa rối” của tác giả Bùi Văn Lãng (Hải Phòng); giải B được trao cho tác phẩm “Ngày mới” của Đỗ Đức Khải (Hải Dương); tác phẩm “Giai điệu Ba Vì” của Nguyễn Tuấn Long (Thái Bình) được trao giải C và năm phần thưởng cho các tác phẩm xuất sắc khác. Triển lãm mở cửa trưng bày đến hết ngày 6-9.
Chiều 28-8, tại thị xã Gia Nghĩa (Đác Nông), Tổng công ty Xây dựng số 1 (thuộc Bộ Xây dựng) phối hợp Ban Quản lý Dự án Nhà máy thủy điện Đác R’tíh và các đơn vị nhà thầu thi công đã chính thức đưa tổ máy 1 của Nhà máy thủy điện Đác R’tíh vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia sau 72 giờ chạy không tải. Tổ máy vận hành ổn định, bảo đảm các thông số kỹ thuật theo thiết kế.
Dự án Nhà máy thủy điện Đác R’tíh do Tổng công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, nằm trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Đác R’lấp, tỉnh Đác Nông, gồm bốn tổ máy với tổng công suất 144 MW, sản lượng điện là 614,1 triệu kWh/năm.
Theo Ban Quản lý Dự án Nhà máy thủy điện Đác R’tíh, trong 45 ngày tới, ba tổ máy còn lại cũng được đưa vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia.
Sáng 28-8, Cụm tiểu thủ công nghiệp Nam Châu Sơn (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), Công ty cổ phần (CP) Carbon Việt Nam tổ chức lễ báo cáo công nghệ sản xuất vật liệu rải đường mới Carboncor Asphalt và khánh thành đưa Nhà máy Carbon Việt Nam vào hoạt động.
Vật liệu rải đường Carboncor Asphalt được coi là bước đột phá mới trong lĩnh vực xây dựng đường giao thông ở Việt Nam, do Công ty CP Carbon Việt Nam sản xuất dựa trên công nghệ của Công ty Carboncor Nam Phi phát minh, sáng chế và chuyển giao độc quyền, được Bộ Giao thông vận tải cho phép sử dụng vào xây dựng và sửa chữa kết cấu áo đường ở Việt Nam từ tháng 5-2009.
Việc xây dựng và đưa Nhà máy Carbon Việt Nam vào hoạt động tại tỉnh Hà Nam sẽ tận dụng tối đa nguồn nguyên vật liệu xây dựng sẵn có và là thế mạnh của địa phương này đồng thời tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()