Lạng Sơn xếp vị trí 37 về điểm chỉ số PAPI năm 2020
– Sáng nay (14/4), tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) tổ chức lễ công bố trực tuyến báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020.
Toàn cảnh lễ công bố chỉ số PAPI năm 2020 tại Hà Nội
Về phía tỉnh Lạng Sơn, dự lễ công bố có đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh.
Phát biểu tại lễ công bố, bà Cailtin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) nhấn mạnh: Những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 cho thấy hiệu quả rõ nét hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011 – 2016 và 2016 – 2021); trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư; và quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Quan trọng hơn, chỉ số PAPI năm 2020 được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, PAPI cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công.
Chỉ số PAPI là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2020, 14.732 người dân và cũng là cử tri đã tham gia khảo sát PAPI. Năm 2020, cũng là lần đầu tiên khảo sát thu thập ý kiến của người dân đăng ký tạm trú với hơn 300 người tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Bình Dương).
Năm 2020, báo cáo chỉ số PAPI của Việt Nam được công bố có 4 nhóm xếp hạng 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, nhóm cao nhất gồm 16 tỉnh, thành; nhóm trung bình cao có 16 tỉnh, thành; nhóm trung bình thấp có 15 tỉnh, thành và nhóm thấp nhất có 16 tỉnh, thành. Năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào trong số 63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả tám chỉ số nội dung.
Thông qua báo cáo cho thấy, lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công, trách nhiệm giải trình với người dân đã từng bước được cải thiện trong nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ngày càng có nhiều người dân tương tác với chính quyền cấp cơ sở, nhất là với trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và đại biểu Hội đồng Nhân dân. Trong khi đó, điểm số của những lĩnh vực tham gia của người dân ở cấp cơ sở (Chỉ số nội dung thứ 1) và Thủ tục hành chính công (chỉ số nội dung thứ 5) cho thấy có sự giảm sút.
Các đại biểu Lạng Sơn tham dự lễ công bố chỉ số PAPI năm 2020 tại Hà Nội
Năm 2020, Lạng Sơn thuộc nhóm có số điểm trung bình thấp với 42,373 điểm, xếp thứ 37 trong 63 tỉnh, thành của cả nước, giảm 1,697 điểm, giảm 13 bậc so với năm 2019 (năm 2019, Lạng Sơn có tổng điểm chỉ số PAPI cao là 44,07, xếp thứ 24 trong 63 tỉnh, thành phố).
Với 8 chỉ số nội dung được đánh giá, năm 2020, tỉnh Lạng Sơn có 4 chỉ số tăng điểm so với năm 2019 đó là: chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân 4,633, tăng 0,063 điểm; chỉ số thủ tục hành chính công 7,429, tăng 0,029 điểm; chỉ số cung ứng dịch vụ công 6,988 điểm, tăng 0,188 điểm; chỉ số quản trị môi trường 3,685 điểm, tăng 0,105 điểm. Các chỉ số còn lại, Lạng Sơn đều giảm so với năm 2019.
Các chỉ số thành phần trong chỉ số PAPI năm 2020 của Lạng Sơn giảm so với năm 2019, cụ thể là: Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,921, giảm 0,119 điểm; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định đạt 5,283 điểm, giảm 0,197 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 6,489 điểm, giảm 0,481 điểm; quản trị điện tử 2,947 điểm, giảm 1,193. |
Ý kiến ()