LSO-Giữa tháng 5/2012, Lạng Sơn xuất hiện ổ dịch lợn tai xanh đầu tiên ở huyện Văn Quan. Tiếp theo đó, 7 huyện, thành phố có ổ bệnh nhỏ lẻ. Thế nhưng bằng sự nỗ lực của toàn tỉnh, dịch bệnh đã được khống chế. Nông dân xã Minh Sơn (Hữu Lũng) chăm sóc đàn lợn sau dịch tai xanhCó thể nói, đợt dịch bệnh tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra khá rộng. Toàn tỉnh có 8 huyện thành phố, 26 đơn vị cấp xã, 99 thôn bản với 493 hộ dân có lợn nhiễm bệnh. Tổng số lợn mắc bệnh là 2.286 con, trong đó đã chữa khỏi 1.047 con, số chết và tiêu hủy trên 800 con. So với tổng đàn lợn toàn tỉnh trên 330 ngàn con thì số lợn chết chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ngay sau khi có dịch xuất hiện, ngành nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn đã tích cực dập dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ phòng chống dịch như Quyết định 886 về...
LSO-Giữa tháng 5/2012, Lạng Sơn xuất hiện ổ dịch lợn tai xanh đầu tiên ở huyện Văn Quan. Tiếp theo đó, 7 huyện, thành phố có ổ bệnh nhỏ lẻ. Thế nhưng bằng sự nỗ lực của toàn tỉnh, dịch bệnh đã được khống chế.
Nông dân xã Minh Sơn (Hữu Lũng) chăm sóc đàn lợn sau dịch tai xanh
Có thể nói, đợt dịch bệnh tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra khá rộng. Toàn tỉnh có 8 huyện thành phố, 26 đơn vị cấp xã, 99 thôn bản với 493 hộ dân có lợn nhiễm bệnh. Tổng số lợn mắc bệnh là 2.286 con, trong đó đã chữa khỏi 1.047 con, số chết và tiêu hủy trên 800 con. So với tổng đàn lợn toàn tỉnh trên 330 ngàn con thì số lợn chết chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Ngay sau khi có dịch xuất hiện, ngành nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn đã tích cực dập dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ phòng chống dịch như Quyết định 886 về dự toán kinh phí chống dịch trên 4 tỷ đồng. Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các quyết định công bố dịch; Văn bản 446, 522, 541/ UBND- KTN về đề nghị Trung ương hỗ trợ vật tư. Đáng chú ý nhất là tỉnh đã ra Quyết định 780 về hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch. Tại các địa bàn có dịch, thú y đã tổ chức ngăn nguồn lây lan dịch bệnh bằng lập các chốt chặn, tiêm phòng bao vây ổ dịch. Ngay tại huyện Văn Quan, nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên chỉ sau 4 ngày công bố dịch, thú y đã tăng cường bao vây, tiêm phòng đạt tỷ lệ 95%. Ông Vy Thế Hồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Quan cho biết: khi có dịch toàn huyện tập trung bao vây ổ dịch, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu cách phòng chống bệnh. Người dân đã không hoang mang, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, điều đó đã tác động rất tích cực đối với công tác chống dịch. Cùng với đó, ở 99 điểm phát hiện bệnh, thú y và các ngành đã tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, hướng dẫn các chủ lò mổ ký cam kết không tiêu thụ lợn bệnh, cử thú y viên theo dõi giám sát. Toàn tỉnh đã lập 15 chốt kiểm dịch tạm thời, đã sử dụng triệt để nguồn thuốc phòng chống dịch gồm 60 ngàn liều vắc xin do Trung ương cấp, 30 ngàn liều được mua bằng tiền từ ngân sách tỉnh. Chỉ trong vòng 1 tháng, bằng hình thức tiêm bao vây, cuốn chiếu, toàn tỉnh đã tiêm đạt gần 70 ngàn con lợn. Điều đó đã góp phần làm dịch không lây lan thêm, một phần đàn lợn sau tiêm đã phục hồi.
Theo ông Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đợt dập dịch này toàn tỉnh hoàn toàn chủ động và có nhiều kinh nghiệm dập dịch mới. Các địa phương điển hình là Bình Gia, Văn Lãng, khi phát hiện lợn bị bệnh, người chăn nuôi đã báo thú y ngay nên toàn huyện Bình Gia chỉ có 18 con lợn bị mắc bệnh và được xử lý tại chỗ, do đó bệnh dịch đã không lây lan. Đặc biệt các huyện trên tuyến quốc lộ 1A như Chi Lăng, Hữu Lũng, sau khi có dịch huyện đã cấp vắc xin, đồng thời chỉ đạo thú y tích cực phối hợp tiêm phòng cho đàn lợn nên tỷ lệ tiêm phòng đạt 100%. Cùng với tiêm phòng, tuyên truyền là tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng các bệnh dịch khác. Toàn tỉnh đã phát huy tối đa các nguồn thuốc chống dịch, sử dụng đúng, đủ trên 3 ngàn lít thuốc sát trùng và trên 43 ngàn kg vôi bột. Cho đến ngày 7/8, huyện Tràng Định là địa bàn cuối cùng đã được công bố hết dịch tai xanh lần này trên phạm vi toàn tỉnh. Khi kiểm tra chống dịch tại Lạng Sơn, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục Trưởng Cục Thú y Trung ương nhận xét, công tác chỉ đạo điều hành chống dịch của địa phương là tích cực, các biện pháp đưa ra đầy đủ, lực lượng cán bộ tham gia chống dịch đã được huy động.
Lạng Sơn có đàn lợn không lớn so với nhiều địa phương, tuy nhiên diện chăn nuôi rộng, lại thường xuyên có trao đổi hàng hóa, thực phẩm, khi xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó kiểm soát và khống chế. Xác định rõ như vậy, toàn tỉnh đã nỗ lực ngay từ những ngày đầu có dịch làm các ổ dịch không lây lan, không gây thiệt hại lớn. Điều đó đã khẳng định sự nỗ lực trong chống dịch tai xanh lần này.
Đông Bắc
Ý kiến ()