Lạng Sơn với phong trào “kết nghĩa Bắc - Nam”
LSO-Đầu năm 1960, Trung ương Đảng và Bác Hồ khởi xướng, phát động phong trào “kết nghĩa Bắc - Nam” giữa các tỉnh, thành phố miền Bắc với các tỉnh, thành phố miền Nam. Qua đó, động viên quân dân miền Bắc thi đua lao động sản xuất để xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng thời tạo lực lượng hậu thuẫn luôn kề vai sát cánh ủng hộ đồng bào miền Nam trong các phong trào đấu tranh chống Mỹ. Hoạt động kết nghĩa đã diễn ra rất sôi nổi, rộng khắp trên toàn miền Bắc, trở thành một trong những phong trào tiêu biểu vì miền Nam ruột thịt thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Cờ tặng kết nghĩa Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn |
Hòa với không khí chung của toàn miền Bắc, tỉnh Lạng Sơn đã nhận kết nghĩa với Đắk Lắk – một trong những tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Có thể coi Nghị quyết số 88, ngày 8/3/1960 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mở cuộc vận động kết nghĩa là mốc dấu khởi đầu của phong trào. Tiếp đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như: Chỉ thị số 25, ngày 19/5/1960, Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ… tiến hành kết nghĩa với tỉnh Đắk Lắk; Chỉ thị 35, ngày 1/8/1960 về việc tổ chức kết nghĩa Lạng Sơn với tỉnh Đắk Lắk… để tổ chức, triển khai phong trào. Công tác tuyên truyền về hoạt động kết nghĩa giữa hai tỉnh được đẩy mạnh đồng thời với việc phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày lễ kết nghĩa.
Thấm nhuần chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc kết nghĩa, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nô nức hưởng ứng phong trào thi đua bằng những hoạt động thiết thực như: đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng cây, làm phân bón; đào ao hồ, mương máng, đắp đập làm thủy lợi; tăng giờ làm, hoàn thành vượt mức kế hoạch trước thời gian quy định. Chỉ trong một ngày, huyện Cao Lộc đã làm được 318.360 kg phân bón; huyện Văn Uyên làm được 18 phai tưới nước, 34 guồng, 19 con mương, 2 hồ chứa nước; Mỏ than Na Dương đã hoàn thành kế hoạch của năm 1960 đúng vào ngày lễ kết nghĩa. Để ghi dấu hoạt động đó, nhiều công trình lao động tập thể đã được lấy tên tỉnh Đắk Lắk để đặt tên. Huyện Lộc Bình, Văn Quan đào hồ chứa nước đặt tên là “Hồ Đắk Lắk”; Ty Lâm nghiệp trồng được 9.072 cây hồi trên đồi lấy tên là “Đồi Đắk Lắk”; Hội Phụ nữ huyện Bắc Sơn tổ chức các nhóm sản xuất tre lấy tên là “Nhóm tre Đắk Lắk”. Trước ngày kết nghĩa, 150 cán bộ và 1.200 người dân thị xã Lạng Sơn đã tham gia khai quang khu vực trung tâm thị xã tạo nên một vườn hoa lấy tên là “Công viên Đắk Lắk”… Ngày 19/8/1960, nhân kỷ niệm 15 năm cách mạng tháng Tám, lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh đã được tổ chức trọng thể, thắm tình đoàn kết keo sơn, gắn bó tại thị xã Lạng Sơn…
Một số văn bản chỉ đạo hoạt động kết nghĩa Bắc – Nam của tỉnh Đảng bộ Lạng Sơn |
Kể từ đó, tỉnh Lạng Sơn đã luôn kề vai sát cánh, động viên, ủng hộ kịp thời tỉnh Đắk Lắk bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác với tinh thần quyết tâm, thắng lợi. Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được đẩy mạnh; khí thế thi đua làm thêm giờ, tăng năng suất lao động, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch trước thời hạn dấy lên ở khắp mọi nơi. Nhân dân Lạng Sơn còn tích cực tham gia vào các hoạt động tuần hành, lấy chữ ký đòi triệt tiêu luật 10/59, phản đối Mỹ Diệm đàn áp đồng bào miền Nam… Đồng thời luôn nêu cao tinh thần anh dũng trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Thời kỳ đó, Lạng Sơn được mệnh danh là “cảng nổi” – đầu mối tiếp nhận hàng hóa của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ. Các tuyến đường giao thông sắt, bộ, nhà ga dọc quốc lộ số 1 bị ném bom ác liệt nhằm cắt đứt con đường tiếp tế đó. Quân dân Lạng Sơn đã anh dũng bẻ gãy nhiều đợt tập kích của không quân Mỹ, bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ trên vùng trời Lạng Sơn – trong đó có chiếc thứ 3.900 bị bắn rơi trên miền Bắc. Vượt qua mưa bom bão đạn, hàng vạn thanh niên xung phong đã dũng cảm san lấp hố bom để đảm bảo giao thông thông suốt chi viện cho tiền tuyến lớn anh hùng. Hàng ngàn con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã hăng hái cầm súng lên đường vào Nam đánh Mỹ. Năm 1965 – 1966, tỉnh đã lập tiểu đoàn Bắc Sơn 1, Bắc Sơn 2 vào chiến trường miền Nam chiến đấu và đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Qua làn sóng điện của Đài Phát thanh Giải phóng, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gửi thư thăm hỏi, động viên, chia sẻ niềm vui với những chiến công của nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Cán bộ miền Nam tập kết công tác tại tỉnh cũng luôn được chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên vào các dịp lễ tết.
Bên cạnh đó, tỉnh còn làm tốt việc nuôi dạy con em đồng bào miền Nam học tập trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 6/1965 đến tháng 8/1970, Trường Dân tộc Trung ương (sau đổi tên là Trường học sinh miền Nam) do Ban Dân tộc Trung ương và Bộ Giáo dục đồng quản lý sơ tán về xã Chi Lăng, huyện Tràng Định. Đây là ngôi trường nội trú chuyên nuôi dưỡng con em đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam để tạo cán bộ nguồn sau này. Trường gồm ba phân hiệu đóng tại Bản Chang, Đoỏng Lìu và Nà Puộc. Thời gian học tập ở đây, các em luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh; sự yêu thương đùm bọc của nhân dân Lạng Sơn. Sau ngày giải phóng, các em đã trở thành đội ngũ cán bộ cốt cán trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ở các tỉnh phía Nam.
Từ sau năm 1975, hoạt động kết nghĩa Bắc – Nam tiếp tục được duy trì dưới hình thức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi; tương trợ, giúp đỡ nhau trong xây dựng quê hương. Từ ngày 6 đến ngày 9/10/1975, đoàn cán bộ tỉnh Đắk Lắk gồm 13 người do đồng chí Ma Pui Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban thị xã Buôn Mê Thuột dẫn đầu đã đến thăm Lạng Sơn sau khi dự lễ Quốc khánh tại Hà Nội. Tỉnh cũng cử cán bộ biệt phái vào Đắk Lắk giúp tỉnh kết nghĩa xây dựng các thiết chế văn hóa bảo tàng, thư viện, phòng văn hóa, văn nghệ, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở… Có thể nói, phong trào kết nghĩa Bắc – Nam đã tạo nên bầu không khí thi đua vô cùng sôi nổi giữa miền Bắc với miền Nam, giữa Lạng Sơn và Đắk Lắk – trở thành động lực lớn lao để nhân dân Lạng Sơn cống hiến sức mình vào sự nghiệp kiến thiết miền Bắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời động viên, cổ vũ nhân dân Đắk Lắk vượt qua khó khăn gian khổ, giữ vững niềm tin vào thắng lợi, lập nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Sức mạnh đoàn kết, hiệu quả của phong trào yêu nước đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng anh dũng của dân tộc.
CHU QUẾ NGÂN
Ý kiến ()