LSO-Sau gần 2 năm tích cực triển khai, có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và thói quen của người tiêu dùng tại Lạng Sơn. Tuy nhiên, nhìn lại 2 năm qua, vẫn thấy những “khoảng trống” chưa được khỏa lấp trong phạm vi “phủ sóng” của hàng Việt tại một thị trường được coi là “khó tính“ với sự cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc. Bài 1: Cần phát huy vai trò của nhà phân phốiSiêu thị Lasvilla luôn cung ứng lượng hàng Việt chiếm tới 90%Nếu đi dọc tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào và dạo một vòng quanh chợ Đồng Xuân, ai cũng có thể nhận thấy hàng Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt như thế nào từ hàng Trung Quốc. Ngay tại thủ đô Hà Nội, để hàng Việt tìm được chỗ đứng còn khó khăn như vậy huống chi việc tiếp cận một thị trường luôn được coi là “thiên đường của hàng Trung Quốc” như Lạng Sơn. Không phải là một thị trường lớn, nhưng việc chinh phục thành công và chiếm lĩnh được thị phần tại Lạng Sơn luôn là một “liều thuốc thử” hữu...
LSO-Sau gần 2 năm tích cực triển khai, có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và thói quen của người tiêu dùng tại Lạng Sơn. Tuy nhiên, nhìn lại 2 năm qua, vẫn thấy những “khoảng trống” chưa được khỏa lấp trong phạm vi “phủ sóng” của hàng Việt tại một thị trường được coi là “khó tính“ với sự cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc.
Bài 1: Cần phát huy vai trò của nhà phân phối
|
Siêu thị Lasvilla luôn cung ứng lượng hàng Việt chiếm tới 90% |
Nếu đi dọc tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào và dạo một vòng quanh chợ Đồng Xuân, ai cũng có thể nhận thấy hàng Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt như thế nào từ hàng Trung Quốc. Ngay tại thủ đô Hà Nội, để hàng Việt tìm được chỗ đứng còn khó khăn như vậy huống chi việc tiếp cận một thị trường luôn được coi là “thiên đường của hàng Trung Quốc” như Lạng Sơn. Không phải là một thị trường lớn, nhưng việc chinh phục thành công và chiếm lĩnh được thị phần tại Lạng Sơn luôn là một “liều thuốc thử” hữu hiệu đối với từng sản phẩm của nhà sản xuất. Đại diện doanh nghiệp nhựa Chí Thành đã khẳng định rằng: nếu sản phẩm mũ bảo hiểm của họ làm ra mà bán tốt tại thị trường Lạng Sơn thì có thể an tâm hoàn toàn về sức cạnh trên mọi thị trường trong nước. Cũng khó để thẩm định độ chính xác của quan điểm ấy, tuy nhiên, ai cũng biết rằng: người tiêu dùng tại Lạng Sơn và các tỉnh giáp Trung quốc trước mỗi nhu cầu mua sắm từ cây kim, sợi chỉ đến những món hàng giá trị lớn đều luôn đứng trước sự lựa chọn: hàng Việt hay hàng Trung Quốc?. Trong sự lựa chọn ấy hoàn toàn không có khái niệm “bài trừ hàng ngoại”, thị trường cung cấp cho người tiêu dùng những thứ mà họ cần, vấn đề là làm sao để hướng người tiêu dùng đến hàng Việt, tạo cho họ nhiều cơ hội hơn để tiếp cận, sử dụng, thẩm định chất lượng và tin tưởng vào hàng Việt. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hương, Trưởng đại diện Văn phòng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tại Hà Nội khẳng định: “Trong các yếu tố quyết định đến sự thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như sự nỗ lực của nhà sản xuất, sự chủ động của nhà phân phối, trách nhiệm của nhà quản lý, sự tích cực của nhà truyền thông, nhận thức của người tiêu dùng… thì nhà phân phối luôn đóng một vai trò trọng yếu và then chốt đặc biệt là tại các tỉnh như Lạng Sơn”. Đây là quan điểm hoàn toàn đúng, bởi chưa cần nói đến việc người tiêu dùng có chủ động tìm mua hàng Việt hay không, chỉ nội việc khi người tiêu dùng bước chân vào các siêu thị, chợ và đại lý luôn thấy sự hiện diện đa dạng và phong phú của hàng Việt thì cơ hội cạnh tranh của hàng Việt đã là 50/50 rồi. Và nếu địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, làm thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân thì cơ hội ấy sẽ tăng lên rất nhiều. “Muốn mua gì thì ra chợ Đông Kinh!”, trước đây hẳn nhiều người dân thành phố Lạng Sơn rất quen với câu nói này, nhưng giờ câu nói đó không còn mang giá trị tuyệt đối nữa. Cũng một món đồ ấy, người dân giờ có rất nhiều sự lựa chọn tại các siêu thị và đại lý trên địa bàn. Khi có nhu cầu mua sắm, người ta không còn nhăm nhăm ra chợ Đông Kinh tìm nữa thì hàng Việt tràn ngập cơ hội thắng thế tại Lạng Sơn. Hiện nay, tại hầu hết các siêu thị và đại lý trên địa bàn lượng hàng Việt luôn chiếm từ 70 đến trên 90%, khoảng 10 năm trước, đây hoàn toàn là một con số không tưởng ở Lạng Sơn. Chị Lê Thị Hà, quản lý siêu thị Lasvilla khẳng định: Hiện nay tại siêu thị, trừ gian hàng riêng chuyên nội thất Quảng Châu thì các sản phẩm Việt được chúng tôi bày bán luôn chiếm tỉ lệ đến gần 90%. Trong mỗi sự lựa chọn hàng hóa nhập vào, lãnh đạo siêu thị vẫn luôn dành ưu tiên cho hàng Việt. Bên cạnh những ưu thế về chất lượng, giá cả, sự phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam, chúng tôi xác định rõ: việc nhập và bày bán hàng Việt cũng là trách nhiệm của một nhà phân phối trực tiếp như Lasvilla nhằm tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng Việt chiếm lĩnh được thị phần tại Lạng Sơn, chính những nhà phân phối chúng tôi cũng có nhiều cái lợi.
Từ chỗ gặp muôn vàn khó khăn trong cạnh tranh, đến nay hàng Việt đã chiếm lĩnh được thị phần tiêu dùng lớn tại Lạng Sơn. Từ Siêu thị Lasvilla, Thành Đô, Bắc Sơn Plaza đến các đại lý bán lẻ dọc những tuyến phố, trong các khu dân cư… hàng Việt luôn chiếm tỉ lệ cao trên các giá hàng. Đó hoàn toàn không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên, hàng Việt bén rễ tại Lạng Sơn có sự đóng góp rất lớn của các nhà phân phối. Nếu một đại lý luôn có tới 80 đến 90% hàng Việt thì khả năng lựa chọn hàng Việt của người tiêu dùng cũng tương đương với tỉ lệ ấy. Có thể mỗi lần nhập hàng, các đại lý chọn hàng Việt vì nhiều lý do khác nhau, nhưng dù với bất cứ lý do gì họ cũng đang góp phần không nhỏ trong việc triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Lạng Sơn với vai trò là cây cầu nối vững chắc giữa sản xuất trong nước và người tiêu dùng Việt. Hiện nay, Lạng Sơn đã có những đơn vị chuyên phân phối hàng Việt ra thị trường, tiêu biểu nhất là doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương, đây là một doanh nghiệp rất tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm ủng hộ và tôn vinh hàng Việt như tham gia các phiên chợ, hội chợ hàng Việt, tham gia bán hàng bình ổn giá, chủ động mở kênh phân phối hàng Việt tiến sâu vào thị trường nông thôn… Những nhân tố như thế là vô cùng cần thiết cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nên chăng chúng ta cần có những cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tiên phong, mạnh dạn như thế nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của cuộc vận động tại Lạng Sơn.
Bài 2: Thị trường nông thôn: Đừng bỏ trống sân nhà
Trúc Lam - Hoài An
Ý kiến ()