Lạng Sơn: Từ cảng nổi kiên cường đến đầu mối giao thương
– Xứ Lạng – mảnh đất địa đầu đã đi vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt với vai trò là nơi phên giậu của quốc gia. Trải qua mỗi thời kỳ lịch sử, người dân Xứ Lạng luôn kiên trung, bất khuất, cùng cả nước chống giặc ngoại xâm. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, dải đất biên cương này đã trở thành cảng nổi, tiếp nhận và chi viện hàng hóa cho tiền tuyến, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong thời kỳ đổi mới, Lạng Sơn trở thành đầu mối giao thương, là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.
Kiên cường cảng nổi
Sau thất bại của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1964-1968), những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ đã làm cho chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, tháng 4/1972, Mỹ tăng cường lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần hai.
Trong bối cảnh các cảng biển bị phong tỏa, lúc này với vị trí địa đầu, Lạng Sơn có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Dự báo trước tình hình, chủ động trước mọi diễn biến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị cơ quan quân sự tỉnh củng cố đội hình sẵn sàng chiến đấu; các địa phương gấp rút đề ra phương án bảo vệ và duy trì sản xuất. Công việc trung tâm lúc này của Đảng bộ, quân và dân Lạng Sơn là phải bảo quản và vận chuyển tốt hàng hóa, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Ngày 11/5/1972, máy bay Mỹ bắt đầu tiến hành đánh phá các địa bàn phía Nam của tỉnh, ngay sau đó, ngày 12/5/1972, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Giải tỏa hàng hóa và điều hòa vận tải của tỉnh. Đây là quyết định thể hiện tinh thần cách mạng sáng tạo, nhạy bén trước tình hình, bởi lúc bấy giờ, trung ương chưa có chủ trương chính thức về công tác này.
Lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tình hình xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngay trong tháng 5/1972, hàng nghìn cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong và Nhân dân các địa phương trong tỉnh đã được huy động để vận chuyển, giải tỏa hàng hóa đến các địa bàn an toàn trước khi địch đánh phá trên quy mô lớn….
Đến cuối tháng 5/1972, toàn tỉnh đã giải tỏa được gần 30.000 tấn hàng hóa các loại ở các kho hàng của trung ương và hơn 10.000 tấn hàng hóa, tài sản, vật tư của tỉnh tới địa điểm an toàn; đào đắp được hàng nghìn hầm, hố trú ẩn trên nhiều địa điểm, địa hình khác nhau.
Nhờ sự chủ động đó mà các loại vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng được đảm bảo an toàn trước những cuộc không kích của Mỹ những ngày đầu tháng 6/1972. Trung tuần tháng 6/1972, Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Ban Điều hòa vận tải của Trung ương đóng tại Lạng Sơn. Đồng thời trung ương cũng giao nhiệm vụ chính thức cho Lạng Sơn bố trí, huy động lực lượng để hỗ trợ kịp thời cho yêu cầu ngày càng cấp bách của công tác này.
Cùng với việc huy động thêm lực lượng bốc, xếp hàng hóa ở các kho, nhà ga, Tỉnh ủy chỉ thị thi công thêm cầu phụ trên các đoạn đường xung yếu; khắc phục nhanh cầu, đường bị bom Mỹ phá hủy…, đảm bảo giao thông thông suốt trong bất kỳ tình huống nào.
Đồng thời, từ đầu tháng 7/1972, thực hiện nhiệm vụ trung ương giao, Lạng Sơn đã huy động hơn 3,3 nghìn nhân lực với trên 100 nghìn ngày công để lắp đặt đường ống dẫn dầu tiếp nhận dầu chi viện. Chỉ trong 1 tháng, với quyết tâm cao độ, nỗ lực vượt bậc, đầu tháng 8/1972, quân và dân Lạng Sơn đã hoàn thành 110 km đường ống dẫn dầu phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chiến đấu.
Từ tháng 5 đến tháng 8/1972, toàn tỉnh đã huy động hơn 40 vạn ngày công đảm bảo giao thông thông suốt, xây dựng hàng chục cầu phao, cầu cáp, thực hiện giải tỏa hàng vạn tấn hàng hóa chi viện cho các chiến trường.
Những tháng cuối năm 1972, máy bay địch đồng loạt bắn phá nhiều điểm ở Lạng Sơn với quy mô rộng và ác liệt hơn, nhất là các trọng điểm như: nhà ga, cầu, đường sắt, đường bộ với mưu đồ phong tỏa các tuyến đường giao thông của ta. Với sự chủ động, mưu trí, quân và dân Lạng Sơn đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, đảm bảo an toàn, thông suốt trong tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa chi viện phục vụ chiến đấu.
Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Anh Nhưỡng, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh vẫn nhớ như in không khí hào hùng của cảng nổi Lạng Sơn cách đây năm mươi năm, khi ấy, ông là Đội trưởng Đội Thanh niên xung phong N57 với quân số trên 3,6 nghìn người.
Ông kể: Máy bay địch ngày đêm quần thảo, bắn phá, trong mưa bom, bão đạn, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng không ai trong chúng tôi nhụt chí. Bất kể ngày hay đêm, đường ách tắc chỗ nào, chúng tôi khơi thông chỗ ấy; chỗ nào cần tăng cường nhân lực, thanh niên xung phong đến chỗ đó với một ý chí sắt son, phải đảm bảo thật an toàn hàng hóa tiếp nhận của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế để chi viện cho các chiến trường.
Theo thống kê sơ bộ, trong năm 1972, các lực lượng trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, bốc xếp, vận chuyển gần 400 nghìn tấn hàng hóa các loại. Trong đó chủ yếu là quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài phục vụ chiến đấu; sửa chữa hơn 300 km đường bị bắn phá; làm mới trên 200 km đường và hàng chục cầu, đảm bảo giao thông thông suốt.
Từ cảng nổi Lạng Sơn, hàng hóa đã chi viện kịp thời phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mỹ. Chiến thắng này góp phần làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh, quyết định thành công công cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam với đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trọng điểm giao thương
Anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, bước sang thời kỳ mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Lạng Sơn đã năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua xây dựng và phát triển quê hương.
Với vị trí quan trọng là cửa ngõ nối giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc; điểm đầu trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài và Hành lang kinh tế trọng điểm quốc gia Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, sự phát triển của Lạng Sơn có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước với vai trò là trọng điểm, cầu nối giao thương.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác triển khai nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Để phát huy tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã huy động nội lực, thu hút đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của trung ương để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh, trong đó tập trung hoàn thiện các tuyến đường ra các cửa khẩu.
Mặt khác, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm: tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, quốc lộ 1A, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc, quốc lộ 1B đi Thái Nguyên, quốc lộ 4B đi Quảng Ninh, tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng),… Các tuyến đường giao thông này khi hoàn thành sẽ kết nối giữa Lạng Sơn với các tỉnh trong khu vực và cả nước tạo động lực thúc đẩy giao thương.
Trong phát triển kinh tế cửa khẩu, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và cơ chế quản lý thông thoáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và các khu vực cửa khẩu khác được đầu tư, phát triển, từng bước trở thành động lực thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, tác động tích cực đến sự phát triển của các vùng khác. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã huy động trên 16.000 tỷ đồng, trong đó, 4.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách trung ương và của tỉnh, còn lại là vốn ngoài ngân sách để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng yếu của khu kinh tế cửa khẩu.
Theo đó, tại các cửa khẩu đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số các công trình hạ tầng quan trọng như: đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc Cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) đấu nối với khu xuất nhập khẩu hàng hóa Khả Phong thuộc thị Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc),… Hiện nay, tỉnh đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng khác như: Khu Trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và Khu chế xuất 1,…
Đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngoài việc đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng tại các cửa khẩu, hiện nay tỉnh tiếp tục duy trì, tăng cường quan hệ đối ngoại với Quảng Tây, Trung Quốc; đẩy mạnh chuyển đổi số tại khu vực cửa khẩu để tăng cường sự minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; thay đổi các phương thức giao nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu phù hợp với tình hình thực tiễn,…, góp phần tiện lợi hóa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu, qua đó thúc đẩy giao thương hàng hóa thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch COVID-19; tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động xuất nhập khẩu để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.
Với các giải pháp đồng bộ đó, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm có trên 3.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh vẫn đạt trên 4,2 tỷ USD, vượt 38,6% kế hoạch. Trong quý I/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt gần 1 tỷ USD.
Để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu dược xác định là chương trình số 1 trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Chương trình này đã và đang được các cấp, ngành liên quan cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Thực hiện tốt chương trình này không chỉ có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh mà còn có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy giao thương hàng hóa của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong cả nước.
Năm mươi năm đã trôi qua, từ cảng nổi kiên cường tiếp nhận và chi viện hàng hóa phục vụ công cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước, Lạng Sơn giờ đây lại tiếp tục phát huy vai trò là đầu mối giao thương quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ý kiến ()