Thứ 7, 23/11/2024 07:23 [(GMT +7)]
Lạng Sơn trong kháng chiến toàn quốc
Thứ 2, 19/12/2011 | 09:05:00 [(GMT +7)] A A
Vào bộ đội từ tháng 8/1946 với cương vị chính trị viên Đại đội 315, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 28 Lạng Sơn, rồi cứ thế rong ruổi trên khắp các chiến trường, từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến Sơn La, Lai Châu, Thượng Lào... với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ và vô vàn kỷ niệm về người lính; song ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ở Lạng Sơn luôn in đậm trong tôi về khí thế cách mạng của quần chúng khi nghe “lời hịch Bác Hồ- lời hịch non sông”, về sức mạnh vô địch của nhân dân, về ý chí sắt đá của quân và dân Lạng Sơn. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, dù ở chiến trường nào, tôi cũng ngóng về Lạng Sơn, mảnh đất quê mình, vùng đất của Đường số 4 rực lửa anh hùng.
LSO-Ngày 7/7/1946, để thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch, quân Pháp kéo vào chiếm đóng thị xã Lạng Sơn thuộc khu vực cửa Đông. Nhận biết được âm mưu của thực dân Pháp, trên phổ biến tình hình và chỉ thị cho chúng tôi tích cực chuẩn bị lực lượng, không được chủ quan. Sau khi sắp xếp quân số huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi xuống thị xã đóng ở Bản Loỏng (Quảng Lạc). Bản Loỏng có vị trí rất thuận lợi, lên thị xã, sang “an toàn khu” của tỉnh là khu Ba Xã rất dễ dàng. Trung đội trợ chiến được trang bị đại liên và trung liên. Tại khu vực Cửa Đông, quân Pháp chia nhau đóng quân, nhiều nhất là khu Ba Toa, Phai Vệ, sau lấn sang cả khu vực đầu cầu Kỳ Lừa, phát triển lên Đồng Đăng Lộc Bình, Đình lập và dùng nhiều thủ đoạn khiêu khích ta.
Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo mặt trận Đông Khê (Cao Bằng) – Ảnh: Tư liệu
Biết âm mưu của thực dân Pháp muốn cướp đất nước ta một lần nữa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triệu tập cuộc họp bất thường, quyết định công tác cấp bách. Ủy ban hành chính được kiện toàn, Ban hậu cần của tỉnh được thành lập nhằm tập trung nhân lực, vật lực chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Các đơn vị của ta đã triển khai trận địa chiến đấu ở khu vực Ba Toa, trường Nữ học, đầu cầu Kỳ Cùng… Nhân dân đã sơ tán có tổ chức về khu căn cứ kháng chiến Ba Xã.
Có thể nói, Lạng Sơn bước vào kháng chiến trường kỳ xuất phát từ “sự kiện Hang Dê”. Khu vực núi Hang Dê (phía sau Tỉnh ủy bây giờ) có 1 đại đội của ta đóng giữ. Đây là một vị trí mang tầm chiến lược, vì thế quan sát cao, liên hoàn với khu vực Đèo Giang có thể khống chế toàn bộ Quốc lộ 1A, quan sát toàn bộ khu vực quân sự nội thành. Chiếm Hang Dê là đã ở thế đứng trên đầu đối phương. Hiểu được vấn đề đó, quân Pháp tìm mọi cách để chiếm núi này. Mượn cớ trên núi còn mộ lính Pháp, chúng nằng nặc đòi ta cho chúng lên lấy mộ quân lính. Với mong muốn hòa bình, chúng ta nhân nhượng và với tính nhân đạo cao cả, chỉ huy của ta đồng ý. Song oái oăm thay, chúng lên rồi cứ ở lỳ trên đó mà không xuống. Sau đó, ngày 25/11/1946, địch tập trung hỏa lực tiến công địa điểm này, bất chấp sự phản đối của ta. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ…
Cuộc chiến đấu trong lòng thị xã diễn ra trong thế giằng co. Ngày 19/12/1946, lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch được nhanh chóng phổ biến tới tất cả các đơn vị, đến các cơ quan dân chính đảng và toàn thể nhân dân. Giữa mùa đông Xứ Lạng lạnh giá, lời kêu gọi của Bác như ánh đuốc hồng soi tỏ, làm ấm lòng cán bộ chiến sĩ. Hòa cùng khí thế của toàn dân tộc, quân và dân Lạng Sơn đã đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ, anh dũng bước vào cuộc chiến đấu mới với quyết tâm sắt đá “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Theo kế hoạch, lực lượng vũ trang ta rút ra ngoài để củng cố lực lượng, cùng nhân dân “tiêu thổ kháng chiến” ngăn bước tiến của giặc. Đơn vị chúng tôi rút về Nà Pản, giáp ranh thị xã, làm nhiệm vụ đánh quấy rối, làm cho quân thù ăn không ngon, ngủ không yên. Sau cái tết Độc lập năm 1945, lại đến cái tết đầu tiên của Kháng chiến. Ăn tết tại Tầm Danh (Cao Lộc) với bánh, thịt… dân mang cho, trong đó tôi nhớ nhất là ông Cắm Sáng, người Phàn Sình, ủng hộ bộ đội rất nhiều gạo, thịt lợn, thịt dê. Vừa ăn tết, vừa tuyển quân, vừa huấn luyện để chiến đấu. Thanh niên trai tráng xung phong vào bộ đội rất đông. Tại những nơi có quân Pháp chiếm đóng như Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc, Na Sầm, nhân dân ta đã tiến hành “tiêu thổ kháng chiến”, bao vây kinh tế gây cho địch nhiều khốn quẫn. Để ngăn chặn có hiệu quả bước tiến của địch, lực lượng vũ trang phối hợp với quần chúng phá hủy nhiều đoạn đường, cầu cống, bố trí nhiều chướng ngại vật suốt dọc đường số 4. Những nơi chưa có giặc chiếm đóng, nhân dân đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để dự trữ, cung cấp lương thực thực phẩm cho kháng chiến.
Vào bộ đội từ tháng 8/1946 với cương vị chính trị viên Đại đội 315, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 28 Lạng Sơn, rồi cứ thế rong ruổi trên khắp các chiến trường, từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến Sơn La, Lai Châu, Thượng Lào… với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ và vô vàn kỷ niệm về người lính; song ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ở Lạng Sơn luôn in đậm trong tôi về khí thế cách mạng của quần chúng khi nghe “lời hịch Bác Hồ- lời hịch non sông”, về sức mạnh vô địch của nhân dân, về ý chí sắt đá của quân và dân Lạng Sơn. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, dù ở chiến trường nào, tôi cũng ngóng về Lạng Sơn, mảnh đất quê mình, vùng đất của Đường số 4 rực lửa anh hùng.
(Ghi theo lời kể của cụ Bế Chu Lang, cán bộ Lão thành cách mạng)
Minh Hồng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()