Thứ 6, 29/11/2024 08:44 [(GMT +7)]
Lạng Sơn triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai
Thứ 6, 10/08/2012 | 08:58:00 [(GMT +7)] A A
Từ thực tế công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cho thấy, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động, tự phòng chống thiên tai trong nhân dân thì việc nâng cấp hệ thống cảnh báo, dự báo thời tiết tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng rất quan trọng. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức ứng xử thân thiện, tôn trọng bảo vệ thiên nhiên, môi trường cũng là một biện pháp hữu hiệu trong tự phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong bối cảnh Việt Nam và toàn thế giới đang nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
LSO-Cũng giống như dịch bệnh, thiên tai là một trong những tác nhân trực tiếp cản trợ sự phát triển bền vững, làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo tại Việt Nam. Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới với địa hình phức tạp và chia cắt mạnh cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Do vậy, thực hiện chương trình quốc gia giảm nhẹ thiên tai luôn là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Lạng Sơn.
Công trình hồ Rọ Tý, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan góp phần
điều hoà nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế và giảm nhẹ thiên tai
Trong những năm qua, thiên tai ở Lạng Sơn chủ yếu là rét đậm, rét hại, giông lốc, sét đánh, mưa lớn gây thiệt hại về người, vật chất tại các địa phương. Thống kê sơ bộ từ năm 2007-2012, thiên tai đã làm cho Lạng Sơn chết 38 người, bị thương 41 người, tổng thiệt hại về vật chất khoảng 335 tỷ đồng. Trận mưa, lũ năm 2008, nhiều huyện như Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định bị thiệt hại nặng về kinh tế, hàng trăm công trình thủy lợi, giao thông, điện sinh hoạt, nhà cửa bị cuốn trôi. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, thiên tai như sét đánh và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh đã làm cho trên 10 người bị tử vong, bị thương.
Từ thực tế này, Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn. Trong đó có giải pháp phi công trình. Đối với giải pháp phi công trình, từ năm 2007-2012, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách như xây dựng chương trình kế hoạch giảm nhẹ thiên tai theo giai đoạn và chương trình hàng năm; thành lập quỹ tài chính về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố thực hiện. Từ 2007 đến nay, toàn tỉnh đã thu được gần 3 tỷ đồng do nhân dân, các tổ chức xã hội đóng góp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đa hình thức tới các tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh gắn với thực hiện phê duyệt quy hoạch, đề án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Ngoài ra, công tác phát triển rừng theo quy hoạch được đẩy mạnh tới các hộ dân, tổ chức. Từ 2007 đến 2011, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới hơn 11 nghìn ha rừng các loại. Về các biện pháp công trình, trên cơ sở các loại quy hoạch đã được duyệt, Lạng Sơn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng, sửa chữa các công trình bảo đảm an toàn hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn. Hàng loạt các công trình hồ chứa đã được đầu tư xây dựng trong thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả như: hồ Vai Cà (Chi Lăng), Phai Danh (Bình Gia), Kéo Quân (Tràng Định)… Trong năm 2012, một số công trình bảo đảm an toàn hồ chứa, phòng chống thiên tai tiếp tục được triển khai thi công như hồ Rọ Tý (Văn Quan), công trình chống sạt lở khu tái định cư Đồng Đăng, kè sông Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn) đang thực hiện…
Từ thực tế công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cho thấy, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động, tự phòng chống thiên tai trong nhân dân thì việc nâng cấp hệ thống cảnh báo, dự báo thời tiết tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng rất quan trọng. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức ứng xử thân thiện, tôn trọng bảo vệ thiên nhiên, môi trường cũng là một biện pháp hữu hiệu trong tự phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong bối cảnh Việt Nam và toàn thế giới đang nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công Quân
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()