Lạng Sơn: Trên 22.500 cán bộ, đảng viên dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Sáng 16/4, tại thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các địa phương trong cả nước với trên 1,5 triệu đại biểu tham dự tại 21.000 điểm cầu và được truyền hình trực tiếp từ 8 giờ sáng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và kênh thời sự VOV1 Đài tiếng nói Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương - Hội trường Diên Hồng. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương.

Tại Lạng Sơn, dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh có các đồng chí: Đoàn Thị Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 295 điểm cầu từ tỉnh đến cấp xã với sự tham gia của trên 22.500 cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh.
Các đại biểu đã được nghe 3 chuyên đề. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.

Tiếp đó, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội truyền đạt chuyên đề: “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.

Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề: “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118- KL/TW ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030”.

Hội nghị nhằm quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 11 ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được tiến hành bài bản, khoa học, chất lượng, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân.


Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XIII, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Nghị quyết đề cập đến nhiều vấn đề then chốt, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư nêu rõ, trên cơ sở thống nhất của Trung ương, việc đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống đặt ra rất khẩn trương, cấp bách, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai nghị quyết theo hướng "rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm và rõ thời gian hoàn thành", sau hội nghị là bắt tay vào thực hiện được ngay. Tổng Bí thư yêu cầu, sau hội nghị quán triệt này, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung nghị quyết và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.

Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, đòi hỏi chất lượng công việc cao, một số nơi chưa có tiền lệ, để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, Tổng Bí thư yêu cầu toàn đảng, toàn quân và toàn dân phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất với Đảng chỉ đạo triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11; xác định đây là cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách đổi mới để phát triển đất nước.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; quán triệt đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này; triển khai các nội dung nghị quyết trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" nhưng phải thận trọng, chắc chắn, không nóng vội, chủ quan, có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này tính đến việc khác liên quan đúng các quy trình, quy định, không làm tắt, làm ẩu, không qua loa, đại khái bất cứ công việc nào; bám sát mốc thời gian trong kế hoạch để đảm bảo các công việc được thực hiện đúng tiến độ theo thời gian quy định (trước 30/6/2025: hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; từ ngày 1/7/2025 kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ đi vào hoạt động; trước ngày 1/9/2025 hoàn thành việc sáp nhập các tỉnh; trước 31/8/2025 hoàn thành đại hội đảng cấp xã; trước 31/10/2025 hoàn thành đại hội đảng bộ cấp tỉnh; đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng được bắt đầu quý I/2026; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào tháng 3/2026). Tăng cường thông tin tuyên truyền, tạo sự động thuận trong xã hội; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, nhất là những ý kiến liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, công tác sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ tác động nhất định đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tuy nhiên vì lợi ích chung và vì sự phát triển của đất nước, cán bộ, đảng viên, Nhân dân cần phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn. Chính quyền mới sau sắp xếp phải đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có lộ trình hoạt động bài bản, khoa học, đúng Điều lệ Đảng, đúng quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của trung ương; bảo đảm hình thành không gian rộng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế; gần dân, sát dân, chăm lo tốt đời sống vật vất và tinh thần của Nhân dân; thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo thế và lực mới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và đối ngoại...
Tổng Bí thư nhận định công việc phía trước rất nặng nề, khẩn trương, đề nghị toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra, chuẩn bị nền tảng vững chắc hướng tới Đại hội XIV của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh.
Trước đó, trong 3 ngày (từ ngày 10 - 12/4/2025), Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XIII đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi kết thúc hội nghị, ngày 12/4/2025, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TƯ (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII) với nhiều nội dung quan trọng về công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; về đề án và phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. |

Ý kiến ()