LSO- Tiến sỹ Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết: Thị trường KH&CN là một phương thức thương mại hóa các thành quả KH&CN, thúc đẩy gắn kết KH&CN với sản xuất. Theo nghĩa rộng, thị trường KH&CN là tổng hòa các mối quan hệ trao đổi mua bán, môi giới, giám định, thưởng phạt, khiếu kiện giữa các bên giao dịch. Tuy nhiên, hiện tại ở Lạng Sơn mới chỉ thực hiện được một phần nào trong khái niệm trên, tức là, chúng ta mới gắn kết KH&CN với sản xuất – nghiên cứu ra những sản phẩm tốt để đưa vào sản xuất, để rồi sản phẩm đó tự đứng vững trên thị trường, còn phần thưởng phạt, khiếu kiện giữa các bên ta vẫn chưa làm được nhiều. Ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất thước dây ở Công ty Toàn HươngĐánh giá vậy, nhưng những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở KH&CN đã nghiên cứu, triển khai thí điểm nhiều dự án nhằm thúc đẩy mạnh, nhanh hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, thông qua...
LSO- Tiến sỹ Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết: Thị trường KH&CN là một phương thức thương mại hóa các thành quả KH&CN, thúc đẩy gắn kết KH&CN với sản xuất. Theo nghĩa rộng, thị trường KH&CN là tổng hòa các mối quan hệ trao đổi mua bán, môi giới, giám định, thưởng phạt, khiếu kiện giữa các bên giao dịch. Tuy nhiên, hiện tại ở Lạng Sơn mới chỉ thực hiện được một phần nào trong khái niệm trên, tức là, chúng ta mới gắn kết KH&CN với sản xuất – nghiên cứu ra những sản phẩm tốt để đưa vào sản xuất, để rồi sản phẩm đó tự đứng vững trên thị trường, còn phần thưởng phạt, khiếu kiện giữa các bên ta vẫn chưa làm được nhiều.
Ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất thước dây ở Công ty Toàn Hương
Đánh giá vậy, nhưng những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở KH&CN đã nghiên cứu, triển khai thí điểm nhiều dự án nhằm thúc đẩy mạnh, nhanh hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, thông qua các mô hình ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ sinh học về giống cây, giống con trong sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã lựa chọn được bộ giống lúa, giống ngô có năng suất cao, chất lượng tốt. Điển hình như giống ngô lai LVN – 10, có năng suất trung bình 75 tạ/ha. Giống ngô lai này đã góp phần hạ giá thành, chủ động một phần hạt giống cho sản suất. Nhờ đó, sản lượng lương thực của tỉnh Lạng Sơn được cải thiện rõ nét. Trước năm 1990, sản lượng lương thực chỉ đạt khoảng 150 nghìn tấn/năm, sau khi áp dụng những tiến bộ KH-CN vào sản xuất, nghiên cứu tìm ra những giống lúa, ngô lai cho năng suất cao, sản lượng lương thực tỉnh đã tăng lên nhanh chóng, đạt 230 nghìn tấn (năm 2001), 245 nghìn tấn (năm 2003), và 270 nghìn tấn (năm 2010). Ngoài ra, áp dụng phương pháp cấy mô tế bào giống khoai tây của Đức và Hà Lan đã tạo ra giống khoai tây sạch bệnh và bước đầu cung cấp khoảng 2,5 tấn giống nguyên chủng cho sản xuất, thay thế dần giống của Trung Quốc đang trồng khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Ưu điểm của loại khoai tây sạch bệnh là không bị bệnh héo rũ như giống khoai tây nhập từ Trung Quốc, năng suất đạt khoảng 24 tấn/ha (cao hơn 10 tấn/ha so với giống khoai tây Trung Quốc).
Những năm cuối của thập niên 90, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn, thử thách. Nhiều công ty cơ khí lâm vào tình trạng khó có thể duy trì do thiết bị cũ kỹ lạc hậu, tư duy lề lối làm việc cổ hủ, công ăn việc làm luôn thiếu, thu nhập thấp… Và việc đầu tư cho KHCN chính là chìa khóa để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, có những bước phát triển đột phá và bền vững như hiện nay. Trong công nghiệp và xây dựng, ngành đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới như công nghệ đúc gang, thép chịu mài mòn, tinh chế chì và tách vàng, bạc bằng phương pháp gia nhiệt; cải tiến máy cày tay, áp dụng cơ giới hóa sản xuất trên đồng ruộng, ứng dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các vùng khó khăn chưa có lưới điện, ứng dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng trong sản xuất rượu đặc sản Mẫu Sơn theo quy mô bán công nghiệp. Tất cả các công nghệ này khi đem ứng dụng vào sản xuất đã mang lại hiệu kinh tế cao, sản phẩm có khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, trên cơ sở đó, khuyến khích người sản xuất nhân ra diện rộng để tăng hiệu quả sản xuất – kinh doanh.
Tiến sỹ Lường Đăng Ninh cho biết, thời gian qua, Lạng Sơn luôn xác định phát triển KHCN là nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến sản xuất với mong muốn những nghiên cứu đó có thể ứng dụng trong sản xuất. Theo Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn, tỉnh phải thu hút được các nhà sản xuất trong nghiên cứu khoa học. Những doanh nghiệp nào thực sự cần ứng dụng KHCN thì phải có sự tham gia của các doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu. Sản phẩm KHCN khi nghiên cứu xong, doanh nghiệp là người được hưởng. Lợi ích đó tiếp tục tăng thu nhập của người tham gia nghiên cứu. Như thế kết quả nghiên cứu mới có tính thực tiễn cao, dễ đánh giá kết quả, nghiệm thu và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cũng cần phải khuyến khích cả người nông dân dám mạnh dạn ứng dụng các mô hình cây, con giống tốt vào sản xuất. Được như vậy, hàng hóa sản xuất ra sẽ có chất lượng cao hơn, và thị trường sẽ tiếp nhận tốt hơn, đó là chưa kể đến hiệu quả kinh tế đem lại cũng nhiều hơn.
Thực tế hiện nay, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhưng không tăng nhu cầu về vốn. Do vậy lời giải cho bài toán này chính là phải đẩy mạnh phát triển KHCN, cải tiến kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Điểm qua để thấy Lạng Sơn đang nỗ lực thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN, và đây cũng là chủ trương mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra. Tuy nhiên, theo Sở KH&CN, để thị trường KH-CN phát triển nhanh và đạt kết quả như mục đích đề ra thì rất cần đến việc thành lập cơ quan quản lý và xúc tiến thị trường KHCN.
Trí Dũng
Ý kiến ()