Lạng Sơn tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ sơ kết 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TW
LSO - Ngày 21/4/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020”. Tham dự điểm cầu tại Lạng Sơn có các đồng chí; Vy Văn Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sau 3 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13 -NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến về phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng… và đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đến nay, nhiều nhiệm vụ đề ra đã, đang được các bộ ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Tại Lạng Sơn, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 13/3/2013 để tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó thực hiện các giải pháp, cơ chế chính sách có hiệu quả nhằm khai thác và huy động nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế….Đặc biệt tập trung ưu tiên tối đa nguồn lực để đầu tư hạ tầng trọng yếu trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; đưa Khu kinh tế này trở thành trung tâm đầu mối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hải Phòng – Quảng Ninh. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2012 – 2013), tổng vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh đạt 15.278 tỷ đồng.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các địa phương nêu lên những thuận lợi, hạn chế, yếu kém, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Các địa phương cần xây dựng giải pháp cụ thể nhằm huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, có các giải pháp để thực hiện đầu tư theo quy hoạch tốt hơn. Đồng thời, khắc phục tình trạng giải phóng mặt bằng chậm làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, dẫn đến phát sinh chi phí đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư. Các bộ ngành và địa phương cần tăng cường, phối hợp trong việc triển khai thực hiện công tác đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Chính phủ cũng sẽ tạo mọi cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ các địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả như Nghị quyết số 13- NQ/TW đã ban hành.
Tin ảnh: Mai Văn Hoa
Ý kiến ()