Lạng Sơn tăng cường liên kết và hội nhập khoa học tại hội chợ Techmart 2013
LSO-Từ ngày 26 – 29/9 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, cùng với 11 Sở KH&CN các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Long An, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên và hơn 300 doanh nghiệp trên cả nước hội tụ về Thủ đô Hà Nội tham gia hội chợ Techmart Hà Nội 2013 (hội chợ khoa học công nghệ).
LSO-Từ ngày 26 – 29/9 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, cùng với 11 Sở KH&CN các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Long An, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên và hơn 300 doanh nghiệp trên cả nước hội tụ về Thủ đô Hà Nội tham gia hội chợ Techmart Hà Nội 2013 (hội chợ khoa học công nghệ). Thông qua hội chợ KH-CN lần này, ngành khoa học Lạng Sơn đã tiến thêm một bước dài trong việc phát triển lĩnh vực khoa học cho tỉnh.
Gian hàng của Sở KH&CN Lạng Sơn tại Hội chợ Techmart 2013 |
Tham gia Techmart Hà Nội 2013, tỉnh Lạng Sơn có 4 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, trưng bày giới thiệu các sản phẩm truyền thống và đặc sản của địa phương như: hồi và tinh dầu hồi của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông – Lâm – Sản Lạng Sơn; rượu Mẫu Sơn; bóng đèn tiết kiệm điện của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hùng Đăng; chè Đình Lập. Cùng đó là các kết quả đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ như: các loại nấm hàng hóa, dưa ngọt Kim Cô nương… và nhất là các sản phẩm nông sản đặc sản đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như: na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Techmart, các gian hàng của tỉnh Lạng Sơn được đông đảo người xem quan tâm và được Ban Tổ chức đánh giá cao.
Tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết, ngành khoa học tỉnh Lạng Sơn tham gia hội chợ KH-CN 2013 tại Hà Nội vừa qua chính là nhằm phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường để các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN quảng bá, giới thiệu các công nghệ, thiết bị tiên tiến, thúc đẩy phát triển giao dịch mua bán công nghệ, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với sản xuất, kinh doanh, xúc tiến đầu tư thương mại hóa sản phẩm, hỗ trợ đổi mới công nghệ và thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập và phát triển.
Techmart Hà Nội 2013 hướng đến mục đích gắn kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm với chi phí thấp, tôn vinh năng lực khoa học và công nghệ nội sinh; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết cùng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững. Do đó, thông qua hội chợ KH-CN vừa qua, một số sản phẩn đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn như: hoa hồi, rượu linh chi, nho… tiếp tục được quảng bá đến các doanh nghiệp trên khắp mọi miền. Ví dụ điển hình: nhiều năm qua, cây hồi được xác định là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược lâu dài của tỉnh Lạng Sơn. Tinh dầu hồi là sản phẩm được chưng cất từ lá, quả và hạt, nhưng chủ yếu từ quả, là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Trong công nghiệp dược phẩm, hồi được sử dụng để trị cảm cúm, chế biến các loại thuốc xoa bóp, nội tiết, tiêu hoá. Trong công nghiệp thực phẩm, hồi được dùng làm gia vị chế biến thức ăn. Ngoài ra, tinh dầu hồi còn được làm hương liệu để chế biến đồ mỹ phẩm cao cấp. Đặc biệt, trong quả hồi có chứa axit shikimic là nguyên liệu chính để sản xuất thuốc Tamiflu chữa bệnh cúm. Thông qua hội chợ Techmart 2013, sảm phẩm hoa hồi Lạng Sơn lại càng được khẳng định vị thế về chất lượng. Bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông-Lâm-Sản Lạng Sơn cho biết, tại hội chợ Techmart này, công ty đã gặp được nhiều đối tác, qua đó cũng đã thỏa thuận được với một số doanh nghiệp trong việc thu mua sản phẩm hoa hồi trong thời gian tới. Cùng với hoa hồi, hồng không hạt Bảo Lâm Lạng Sơn cũng là sản vật nông sản thu hút nhiều sự quan tâm không chỉ bởi mẫu mã mà cả chất lượng thơm ngon của nó. Ngoài ra hồng Bảo Lâm còn được dùng làm thuốc. Quả hồng ngâm rượu là một vị thuốc chống suy nhược, tai hồng sấy làm thuốc chữa ho, đầy bụng, nước hồng non ép phơi khô gọi là “Thị tất” dùng chữa bệnh cao huyết áp. Qua hội chợ này, sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn nhiều hơn, cụ thể tại Techmart Hà Nội 2013, hồng Bảo Lâm mang Chỉ dẫn địa lý có giá từ 60.000- 70.000 đồng/1kg.
Techmart Hà Nội 2013 tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: cơ khí chế tạo máy-tự động hóa; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sản xuất, chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm, công nghệ phục vụ nông thôn, nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, vật liệu-hóa chất-dược liệu; du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục, ngân hàng… Đây đều là những lĩnh vực khoa học Lạng Sơn sẽ phải nghiên cứu trong thời gian tới. Ngoài ra, tại hội chợ này, tất cả các công nghệ đã được các đơn vị nghiên cứu, làm chủ và sẵn sàng chuyển giao cho các tổ chức, đơn vị và cá nhân có nhu cầu. Đây chính là cơ hội để các nhà khoa học tỉnh Lạng Sơn, các doanh nhân, doanh nghiệp Lạng Sơn gặp gỡ với các nhà khoa học, doanh nghiệp khoa học trên mọi miền, thông qua đó cụ thể hóa những thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thành năng lực cạnh tranh, sản phẩm chất lượng cao của doanh nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển khoa học – công nghệ trong thời gian tới.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()