Lạng Sơn tăng cao thứ hạng ở cả hai chỉ số PAR INDEX và chỉ số SIPAS
– Sáng 25/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương .
Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ.
Về phía tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ.
Toàn cảnh lễ công bố chỉ số PAR INDEX VÀ chỉ số SIPAS năm 2021 tại Hà Nội
Theo kết quả công bố tại hội nghị, chỉ số PAR INDEX năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung vào 3 nhóm điểm: nhóm đạt kết quả trên 90%, bao gồm 3 đơn vị: Bộ Tư Pháp; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. nhóm đạt kết quả từ trên 80% đến dưới 90% gồm 13 đơn vị; nhóm đạt kết quả dưới 80% có 1 đơn vị là Bộ Khoa học và Công nghệ. Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 86,07%, giảm 1,49% so với năm 2020. Năm 2021, có 11/17 bộ có chỉ số trên mức giá trị trung bình, Bộ Tư Pháp đạt chỉ số cao nhất với kết quả là 91,90%.
Chỉ số PAR INDEX năm 2021 của các tỉnh, thành phố được phân thành 3 nhóm: nhóm A đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên có 3 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng; nhóm B đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 59 tỉnh, thành phố (trong đó có Lạng Sơn); nhóm C, đạt kết quả chỉ số từ 70% đến dưới 80% có 1 tỉnh là Kiên Giang. Theo đánh giá, chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,37%, cao hơn 2,65% so với năm 2020.
Đối với kết quả chỉ số SIPAS năm 2021, 87,16% người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung, tăng 1,68% so với năm 2020. Trong đó, tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất với giá trị là 94,07% và thấp nhất với giá trị là 82,79%.
Các đại biểu Lạng Sơn tham dự lễ công bố chỉ số PAR INDEX VÀ chỉ số SIPAS năm 2021 tại Hà Nội
Theo báo cáo công bố, chỉ số PAR INDEX của Lạng Sơn đạt 87,11%, xếp thứ 23/63, tăng 13 bậc so với năm 2020, trong đó có một số tiêu chí tăng điểm như: tiêu chí cải cách TTHC đạt 12,74, tăng 0,77; tiêu chí hiện đại hóa hành chính đạt 13,37 điểm, tăng 0,43 điểm; tiêu chí tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và kinh tế – xã hội của tỉnh đạt 13,50 điểm, tăng 1,68 điểm so với năm 2020… Chỉ số SIPAS của Lạng Sơn là 87,07%, xếp thứ 31/63, tăng 8 bậc so với năm 2020.
Tại hội nghị, đại biểu một số bộ, ngành, địa phương đã trình bày tham luận về một số vấn đề như: kinh nghiệm trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; vấn đề xây dựng chính quyền số gắn với đô thị thông minh; những bài học rút ra trong công tác chuyển đổi số…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và chúc mừng các bộ, ngành và địa phương đạt chỉ số cao thuộc nhóm tốp dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số PAR INDEX và SIPAS.
Đồng chí đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và xây dựng các giải pháp khắc phục hai chỉ số trên. Đồng thời, tập trung cao hơn nữa cải cách thể chế, chính sách, trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cải cách TTHC. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương theo quy định của Chính phủ; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ý kiến ()