LSO-Trong vài năm trở lại đây, các dịch vụ ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển. Với nhiều tính năng, tiện ích mới, hiện đại… cùng mạng lưới giao dịch ngày càng mở rộng, dịch vụ ngân hàng thực sự trở thành một thị trường cạnh tranh sôi động, tạo nên những cơ hội lựa chọn dịch vụ đa dạng đối với khách hàng. Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Công thương Lạng Sơn Ảnh: Thanh SơnCác dịch vụ ngân hàng có thể được chia thành các nhóm dịch vụ chính là: Cho vay, tiết kiệm, dịch vụ thẻ, tài khoản và các dịch vụ khác. Trong đó, các dịch vụ khác gồm các tiện ích ngân hàng, bảo lãnh, chuyển tiền, thu đổi ngoại tệ, thanh toán hoá đơn… Các dịch vụ đó ngày càng đổi mới, nhiều tiện ích nhằm mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Đây được coi là một giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu mở rộng phạm vi và thu hút khách hàng để phát triển chiến lược kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy,...
LSO-Trong vài năm trở lại đây, các dịch vụ ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển. Với nhiều tính năng, tiện ích mới, hiện đại… cùng mạng lưới giao dịch ngày càng mở rộng, dịch vụ ngân hàng thực sự trở thành một thị trường cạnh tranh sôi động, tạo nên những cơ hội lựa chọn dịch vụ đa dạng đối với khách hàng.
|
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Công thương Lạng Sơn Ảnh: Thanh Sơn |
Các dịch vụ ngân hàng có thể được chia thành các nhóm dịch vụ chính là: Cho vay, tiết kiệm, dịch vụ thẻ, tài khoản và các dịch vụ khác. Trong đó, các dịch vụ khác gồm các tiện ích ngân hàng, bảo lãnh, chuyển tiền, thu đổi ngoại tệ, thanh toán hoá đơn… Các dịch vụ đó ngày càng đổi mới, nhiều tiện ích nhằm mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Đây được coi là một giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu mở rộng phạm vi và thu hút khách hàng để phát triển chiến lược kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, trong những năm qua, các ngân hàng không ngừng quan tâm phát triển các sản phẩm dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh, các dịch vụ vay mua sắm, tiêu dùng, dịch vụ tiết kiệm có kì hạn, thanh toán hoá đơn… đang ngày càng phổ biến, có thể nói, các dịch vụ đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân cũng như doanh nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, các đơn vị cơ quan, doanh nghiệp thực hiện chi trả lương qua tài khoản theo tinh thần Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg, ngày 24/8/2007 về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các ngân hàng đẩy mạnh việc đưa các máy ATM vào hoạt động, dịch vụ thẻ ATM của các ngân hàng đã phát triển mạnh mẽ tới mọi đối tượng khách hàng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn ba chục máy ATM, khoảng 50 điểm thanh toán POS, gần 700 đơn vị tham gia chi trả lương qua tài khoản. Với các tính năng, tiện ích ngày càng mở rộng, dịch vụ thẻ không chỉ đảm bảo an toàn tiền mặt, giúp quản lý chi tiêu, mà còn giúp thanh toán các hoá đơn điện, nước, điện thoại… cho các khách hàng. Khách hàng đến với ngân hàng không chỉ với mục đích gửi hay vay tiền, mà để sử dụng các dịch vụ khác nhiều hơn. Vì vậy, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên địa bàn tỉnh ngày càng được các ngân hàng quan tâm phát triển.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh mới có thêm hai ngân hàng thương mại mở chi nhánh giao dịch tại địa bàn, cạnh tranh trên thị trường hoạt động ngân hàng ngày càng cao. Các dịch vụ ngân hàng vì thế càng trở nên sôi động. Hiện nay, bên cạnh bám sát các chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, đẩy mạnh huy động và đầu tư cho vay, các ngân hàng quan tâm đa dạng và hiện đại hoá các dịch vụ tới khách hàng. Để phát triển tốt các dịch vụ đó, các ngân hàng không ngừng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên, đầu tư trang bị các thiết bị máy móc hiện đại; điều chỉnh mạng lưới giao dịch phù hợp, nâng cao chất lượng hoạt động các phòng giao dịch, các chi nhánh… Mặt khác đổi mới phong cách giao dịch, chăm sóc khách hàng, đẩy mạnh tiếp thị, khuyến mại mở rộng phạm vi phát hành thẻ. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã điều chỉnh giảm các phòng giao dịch hoạt động kém hiệu quả, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động các chi nhánh, tăng 3 máy ATM mới so với năm 2009; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Lạng Sơn mở mới điểm giao dịch phường Chi Lăng, đang mở rộng sản phẩm thẻ liên kết đến các đơn vị trường học, doanh nghiệp… Các ngân hàng mới hoạt động như Ngân hàng Liên Việt, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn- Hà Nội cũng đang nỗ lực với chiến lược thu hút khách hàng bằng sự năng động, tích cực như tiếp thị, huy động, cho vay với các mức lãi suất hấp dẫn…
Với các dịch vụ ngày càng đa dạng và hiện đại, các tính năng tiện ích ngày càng nhiều, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang cạnh tranh sôi động. Để cạnh tranh tốt, giữ vững thị phần khách hàng, các ngân hàng tiếp tục đua nhau trên đường nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới tới khách hàng, đồng thời tăng cường huy động vốn trong dân cư với nhiều kì hạn và các mức lãi suất, không ngừng mở rộng cho vay các đối tượng. Từ đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Lâm Như
Ý kiến ()