Chủ nhật, 24/11/2024 08:10 [(GMT +7)]
Lạng Sơn sau 5 năm phát triển ngành nghề nông thôn
Thứ 2, 24/10/2011 | 09:34:00 [(GMT +7)] A A
Vì vậy, để ngành nghề nông thôn phát triển cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở ngành nghề nông thôn tìm thị trường. Đồng thời, có sự kết hợp tốt giữa sản xuất với phát triển các điểm tham quan du lịch để ngành nghề nông thôn có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm với các địa phương trong cả nước và với du khách nước ngoài. Cùng với đó, tỉnh cần có chính sách khuyến khích việc thu hút các nghệ nhân, thợ lành nghề để củng cố những ngành nghề nông thôn hiện tại và phát triển những ngành nghề mới.
LSO-Phát triển ngành nghề nông thôn là một trong những chủ trương lớn của cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng trong chiến lược phát triển KT-XH với mục đích giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, sau 5 năm triển khai, ngành nghề nông thôn Lạng Sơn đã có bước chuyển biến tích cực, bên cạnh các nghề truyền thống đang được khôi phục và phát triển như: thêu, dệt, gốm sứ…một số nghề mới như nuôi trồng sinh vật cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản…đang được hình thành và phát triển, góp phần cải thiện cuộc sống cho nhân dân.
Sản xuất đồ gốm sứ tại Công ty TNHH gốm sứ Hưng Thịnh – Ảnh: Minh Thảo |
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 641 cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm sản như: các cơ sở sấy vải ở Hữu Lũng; bảo quản na, chế biến cao khô, làm măng ớt ở Chi Lăng; sấy hồi, làm thuốc lá điếu, làm bún, phở, xay xát, mì gạo, nuôi trồng sinh vật cảnh, làm nón lá, làm hương… Các cơ sở trên chủ yếu sản xuất bằng công nghệ thủ công với quy mô nhỏ lẻ, được phân bố ở các vùng có sản phẩm nông, lâm sản, nằm rải rác, đa phần là với quy mô hộ gia đình. Ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, gốm sứ, dệt may, cơ khí nhỏ cũng đang có bước phát triển. Trong đó, ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng được đánh giá là tương đối phát triển, chủ yếu là sản xuất gạch bê tông, gạch ba banh, khai thác đá, cát, sỏi, được phân bố ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, toàn tỉnh có gần 180 cơ sở chế biến gỗ và sản xuất đồ mộc với uy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là sơ chế gỗ xây dựng và nguyên liệu ván ép thanh để xuất sang các tỉnh khác. Các xưởng sản xuất, sửa chữa cơ khí nhỏ tương đối phát triển với 57 cơ sở do nhu cầu sử dụng của nhân dân lớn. Sản phẩm rất đa dạng gồm dụng cụ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, công cụ phục vụ xây dựng như: cày, bừa, cuốc, xẻng, dao, rựa và một số phụ tùng máy nông nghiệp… Tuy nhiên, bên cạnh những ngành nghề có bước phát triển thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn có một số ngành nghề nông nghiệp chưa phát triển như: ngành nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, ngành nghề gây, trồng và kinh doanh sinh vật cảnh cũng mới được triển khai với quy mô nhỏ. Đến thời điểm hiện tại, Lạng Sơn vẫn chưa có cơ sở xử lý nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn…
Sản xuất gạch tại Công ty cổ phần gạch ngói Hợp Thành |
Nhìn chung, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung, máy móc thiết bị lạc hậu, sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Một số địa phương có ngành nghề truyền thống nhưng không được bảo tồn, phát triển một cách tự phát, do vậy, thường bị mai một, không phát triển được. Sự liên kết giữa các nhà sản xuất là chưa có, do vậy, việc thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn rất chậm, sản phẩm sản xuất ra mang giá trị chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, chưa đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Mặt khác tỉnh chưa có quy hoạch cụ thể cho các loại ngành nghề để phát triển thành những cụm, trung tâm sản xuất hàng hóa dẫn đến sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chưa có sự gắn kết giữa người sản xuất với thị trường…
Vì vậy, để ngành nghề nông thôn phát triển cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở ngành nghề nông thôn tìm thị trường. Đồng thời, có sự kết hợp tốt giữa sản xuất với phát triển các điểm tham quan du lịch để ngành nghề nông thôn có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm với các địa phương trong cả nước và với du khách nước ngoài. Cùng với đó, tỉnh cần có chính sách khuyến khích việc thu hút các nghệ nhân, thợ lành nghề để củng cố những ngành nghề nông thôn hiện tại và phát triển những ngành nghề mới.
Đức Anh
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()