Chủ nhật, 24/11/2024 23:43 [(GMT +7)]
Lạng Sơn sau 12 năm thực hiện Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở
Thứ 5, 17/11/2011 | 08:25:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được ban hành năm 1998. Từ khi thực hiện Pháp lệnh, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có những chuyển biến tích cực, hoạt động của các tổ hòa giải đã đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên. Các cấp, các ngành đã nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong việc giữ gìn an ninh trật tự, thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH ở địa phương.
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh hưởng ứng tuyên truyền phổ biến GDPL – Ảnh: Xuân Hương |
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.319 tổ hòa giải với trên 12.000 tổ viên. Ngoài mô hình tổ hòa giải ở thôn, bản, khối phố, còn có 226 ban hòa giải ở cấp xã/226 xã, phường, thị trấn với trên 1.000 thành viên. Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở không ngừng được phát huy, góp phần giải quyết tại chỗ những tranh chấp, mẫu thuẫn, xích mích nhỏ trong nhân dân về các vấn đề dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình…hạn chế đáng kể những khiếu kiện, nhất là những khiếu kiện vượt cấp, giúp cho nhà nước tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Do có sự chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên nên các tổ hòa giải luôn được củng cố, kiện toàn. Hàng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tư pháp cho cán bộ tư pháp cấp huyện, xã, trong đó có nghiệp vụ quản lý về công tác hòa giải ở cơ sở, biên soạn và phát hành 3 cuốn sổ tay hòa giải viên cơ sở với số lượng 11.060 cuốn phát đến từng tổ hòa giải. Ngoài ra, thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, các hội nghị tuyên truyền tại cơ sở, Sở Tư pháp còn lồng ghép tổ chức được trên 100 buổi tập huấn nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên.
Phòng Tư pháp cấp huyện, Ban Tư pháp cấp xã định kỳ hàng năm đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ hòa giải, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên. Một số đơn vị làm tốt công tác này như: thành phố Lạng Sơn, các huyện: Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc, Bình Gia…Bên cạnh đó, nhằm góp phần thúc đẩy công tác hòa giải ở cơ sở, trong khoảng thời gian này, UBND tỉnh đã tổ chức thành công hội thi “Hòa giải viên giỏi lần 1” và “Hòa giải viên giỏi lần 2” ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, thu hút được hàng trăm hòa giải viên trên toàn tỉnh tham gia. Đây cũng là dịp để các hòa giải viên gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm trong công tác hòa giải.
Vì vậy, số vụ việc hòa giải thành ngày càng tăng lên. Qua 12 năm thực hiện Pháp lệnh, các tổ hòa giải ở cơ sở đã hòa giải thành trên 12.000 việc, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 70%. Qua đó, đã giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, giữ gìn trật tự xã hội, chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật và xây dựng khối đoàn kết cộng đồng.
Tiểu phẩm hòa giải viên cơ sở đến hòa giải mâu thuẫn gia đình do người chồng mắc tệ nạn xã hội của thị trấn huyện Cao Lộc |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh cũng còn có một số tồn tại cần khắc phục nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở như: một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở; công tác củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở một số xã, phường, thị trấn còn chưa kịp thời, thường xuyên, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả hòa giải; một số hòa giải viên chưa thực sự nhiệt tình với công việc, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh.
Theo đại diện lãnh đạo của một số cơ quan chức năng, công tác hòa giải là công tác vận động quần chúng, vì vậy, khi lựa chọn người tham gia làm công tác hòa giải, ngoài trình độ, hiểu biết về pháp luật cần chú trọng giới thiệu người có kinh nghiệm và uy tín cao trong cộng đồng như: người cao tuổi, cựu chiến binh; kịp thời cung cấp tài liệu, thông tin pháp luật cho các tổ hòa giải…
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()