Lạng Sơn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo
LSO-Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới gồm 11 huyện, thành phố với 226 xã, phường, thị trấn, 2.324 thôn, bản, khối phố, trong đó 89 thôn, bản giáp biên, dân số hơn 75 vạn người, có 7 dân tộc chủ yếu là Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo chính đang hoạt động: Phật giáo, Công giáo và Tin lành với tổng số 9.150 tín đồ, chiếm 1,2% dân số toàn tỉnh.
![]() |
Bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao Bằng khen cho các phật tử có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc – Ảnh: HOÀNG HUẤN |
Trong những năm qua, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các ngành liên quan nên đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các ngành, các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về tôn giáo đến với cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào có đạo. Nội dung tuyên truyền chú trọng phổ biến pháp luật liên quan đến tôn giáo như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản ban hành của tỉnh liên quan đến tôn giáo… Nhờ đó, các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định theo đúng quy định của pháp luật và đúng Hiến chương, Điều lệ của giáo hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Đồng bào các tôn giáo luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sống “Tốt đời đẹp đạo”, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hưởng ứng các hoạt động từ thiện nhân đạo…
Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thường xuyên bám sát tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND các cấp đề ra chủ trương, kế hoạch, giải pháp về công tác QLNN đối với các hoạt động tôn giáo và giải quyết các nhu cầu tôn giáo đảm bảo đúng chính sách, pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phối hợp vận động, đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; nhất là các đối tượng lợi dụng lòng tin của một bộ phận quần chúng nhân dân để hoạt động tín ngưỡng mang mầu sắc mê tín dị đoan, tuyên truyền đạo lạ, tà đạo như: đạo Bác Hồ, Đạo Thái Việt, đạo Hoàng Thiên Long… gây mất trật tự an ninh trên địa bàn. Từ năm 1997 đến nay, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo của tỉnh; chỉ đạo 7/7 huyện, thành phố có tổ chức tôn giáo cơ sở thành lập Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo, đó là: thành phố Lạng Sơn, các huyện: Bắc Sơn, Tràng Định, Văn Lãng, Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng. Việc quản lý cơ sở thờ tự và đất đai tôn giáo được chú trọng, nổi bật hơn 10 năm qua, UBND tỉnh đã giao mới cho 4 cơ sở tôn giáo với diện tích hơn 61.000 m2 đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 8 cơ sở tôn giáo và đã có 5 cơ sở thờ tự được tu bổ, xây dựng mới.
Trong hơn 10 năm qua, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức được 28 lớp bồi dưỡng kiến thức công tác tôn giáo cho 3.464 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo và tổ chức 2 lớp bồi dưỡng tôn giáo cho 120 lượt chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Từ năm 2003 đến nay, đã tổ chức được 12 hội nghị cho 1.050 lượt cán bộ MTTQ các cấp; 15 cuộc với 1.380 lượt người là các vị chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo; cử 12 đại biểu tiêu biểu của các tôn giáo đi tham gia các chương trình biểu dương do Trung ương tổ chức. Qua đó giúp các chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
![]() |
Rước kiệu tại lễ hội Đền Tả Phủ |
Tuy nhiên, so với sự phát triển của tín ngưỡng, tôn giáo trong giai đoạn hiện nay, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo còn gặp nhiều khó khăn. Ngành Nội vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó Phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ có 3 biên chế, phòng nội vụ các huyện, thành phố có 1 biên chế kiêm nhiệm làm công tác tôn giáo; cấp xã là cấp quản lý trực tiếp các hoạt động tôn giáo, nhưng công chức đều kiêm nhiệm, trình độ, kinh nghiệm quản lý về tôn giáo còn hạn chế. Mặt khác, chế độ đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ làm công tác tôn giáo hiện nay chưa được quan tâm, kinh phí dành cho công tác quản lý về tôn giáo ở cấp huyện, cấp xã còn thấp. Do vậy, việc kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác tôn giáo gắn với chính sách đào tạo, bồi dưỡng thu hút cán bộ cần được quan tâm hơn nữa.
MAI VĂN HOA
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()