Lạng Sơn qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ trước)3- Phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945.Ngày 3 - 2 - 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau đó, chi bộ đảng cộng sản chuyên trách chỉ đạo vùng biên giới Cao - Bắc - Lạng cũng được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn do đồng chí Hoàng Đình Giong làm bí thư. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chi bộ Đảng phân công hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Nhiều tổ chức quần chúng cách mạng được nhanh chóng gây dựng và phát triển ở khu vực Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Yên, Thuỵ Hùng trong những năm 1932, 1933, tạo nòng cốt quan trọng cho việc mở rộng phong trào cách mạng ra nhiều nơi khác trong tỉnh. Di tích đình Nông Lục (Bắc Sơn) - Ảnh: H.V.TĐến giữa năm 1933, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được thành lập tại xã Thuỵ Hùng, châu Văn Uyên, do đồng chí Hoàng Văn...
3- Phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày 3 – 2 – 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau đó, chi bộ đảng cộng sản chuyên trách chỉ đạo vùng biên giới Cao – Bắc – Lạng cũng được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn do đồng chí Hoàng Đình Giong làm bí thư. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chi bộ Đảng phân công hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Nhiều tổ chức quần chúng cách mạng được nhanh chóng gây dựng và phát triển ở khu vực Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Yên, Thuỵ Hùng trong những năm 1932, 1933, tạo nòng cốt quan trọng cho việc mở rộng phong trào cách mạng ra nhiều nơi khác trong tỉnh.
|
Di tích đình Nông Lục (Bắc Sơn) – Ảnh: H.V.T |
Đến giữa năm 1933, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được thành lập tại xã Thuỵ Hùng, châu Văn Uyên, do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp làm Bí thư.
Ngày 25 – 9 – 1936, chi bộ Đảng cộng sản ở Vũ Lăng (Bắc Sơn) được thành lập. Ngày 11 tháng 4 năm 1938, chi bộ Đảng cộng sản ở Phi Mỹ (nay là Tri Phương, Tràng Định) được thành lập.
Ngày 27 – 9 – 1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, báo hiệu thời kỳ đấu tranh mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng – thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Thực hiện nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941), tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi lực lượng và điều kiện để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Từ năm 1941 – 1942, phong trào Việt Minh đã phát triển ở nhiều vùng nông thôn, thị xã và thị trấn.
Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1944, phong trào Việt Minh phát triển ở Bắc Sơn, Tràng Định, Thoát Lãng, Bình Gia. Các lớp huấn luyện tập trung của tỉnh lần lượt được tổ chức ở Khuổi Nghiều, Tà Lừa, Nà Chát, Khuổi Nhừ (Tràng Định), thu hút hàng trăm người tham gia. Đầu năm 1945, ảnh hưởng của phong trào đã được chuyển lan tới các địa phương trong tỉnh như Điềm He, Bằng Mạc, Ôn Châu, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập.
Được sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, liên Tỉnh uỷ Cao Bắc Lạng và sự vận động, tổ chức tích cực của cứu quốc quân từ căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, các đội vũ trang tuyên truyền chiến đấu lần lượt được thành lập ở nhiều địa phương trong tỉnh. Các khu căn cứ du kích cũng được thành lập ở Hội Hoan (Thoát Lãng), Chí Minh (Tràng Định), Văn Mịch (Bình Gia).
Ngày 16 đến ngày 17 – 4 – 1945, Đảng bộ Bắc Sơn chỉ đạo các đội vũ trang tổ chức tiêu diệt các đồn bốt của địch, làm hậu thuẫn vững chắc cho đông đảo quần chúng nhân dân lần lượt giải phóng các xã Vũ Lễ, Vũ Lăng, Hưng Vũ, Bắc Sơn, Chiêu Vũ. Trên đà thắng lợi, ngày 18 tháng 4, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng tiến vào giải phóng châu lỵ, giải tán chính quyền địch, tổ chức mít tinh mừng thắng lợi.
Ngày 19 – 4 – 1945, trung đội vũ trang tuyên truyền châu Bình Gia do đồng chí Hà Tân Cương chỉ huy phối hợp cùng đội vũ trang giải phóng do đồng chí Quốc Vinh chỉ huy từ Bắc Sơn sang, tiến công vào đồn Bình Gia và nhanh chóng làm chủ châu lỵ.
Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 1945, quân cách mạng đã hoàn toàn làm chủ các thôn xã ở Thoát Lãng (trừ thị trấn Na Sầm, quân Nhật vẫn còn chiếm đóng).
Ngày 2 – 5 – 1945, phối hợp với quần chúng cách mạng, các đội vũ trang chiến đấu đã tấn công đồn Pò Mã (xã Quốc Khánh), tiêu diệt quân địch, giải phóng xã Quốc Khánh, thành lập chính quyền cách mạng. Đến đầu tháng 6, hầu hết các xã ở Tràng Định đã thành lập được chính quyền cách mạng.
Đêm ngày 20 rạng ngày 21 – 6 – 1945, các đội vũ trang tuyên truyền từ Bình Gia, Bắc Sơn tiến về châu Bằng Mạc, phối hợp cùng với sự nổi dậy của quần chúng, tấn công đồn Vạn Linh, làm chủ châu lỵ.
Ngày 3 – 7 – 1945, một đội vũ trang chiến đấu do đồng chí Hoàng Văn Kiểu trực tiếp chỉ huy từ Thoát Lãng sang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng cách mạng trong huyện, tiến công đánh chiếm đồn Điềm He, làm chủ châu lỵ.
Ngày 19 – 8 – 1945, tại Đồng Mỏ (Ôn Châu), dưới sự chỉ đạo của Ban Việt Minh châu, được sự tăng cường của lực lượng vũ trang chủ lực của tỉnh, quần chúng cách mạng đã nhất tề nổi dậy, tiến công quân Nhật, làm chủ châu lỵ. Cùng ngày, tại Hữu Lũng, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng nổi dậy làm chủ phố Mẹt (châu lỵ Hữu Lũng).
Ngày 21- 8 – 1945, tại Thất Khê (Tràng Định), dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã nổi dậy tiến công, bao vây tước vũ khí quân Nhật, làm chủ phố Thất Khê, giải phóng hoàn toàn Tràng Định.
Ngày 22- 8 – 1945, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng ở Thoát Lãng đã làm chủ Na Sầm, giải phóng hoàn toàn Thoát Lãng.
Rạng sáng ngày 25 – 8 – 1945, lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng ở các vùng lân cận bằng nhiều hướng đã tiến vào thị xã Lạng Sơn, nhanh chóng chiếm các căn cứ đóng quân của địch, bao vây dinh tỉnh trưởng bù nhìn, buộc Linh Quang Vọng phải đầu hàng, thị xã Lạng Sơn được giải phóng. Cùng ngày, dưới sự phát động trực tiếp của Ban Việt Minh Cao Lộc, phối hợp với sự tiến công của lực lượng vũ trang của tỉnh, quần chúng cách mạng ở Cao Lộc đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền.
Ngày 28 – 8 – 1945, lực lượng vũ trang của tỉnh đã tiến về Lộc Bình cùng nhân địa phương giải phóng châu lỵ, thiết lập chính quyền cách mạng.
Tại Đình Lập, ngày 18 – 11- 1945, chính quyền cách mạng từ huyện xuống các xã được thành lập. Đây là sự kiện ghi nhận thắng lợi toàn diện của cách mạng tháng Tám tại Lạng Sơn.
* Năm đầu tiên sau cách mạng tháng Tám 1945.
Sau cách mạng tháng Tám, Lạng Sơn là một trong những tỉnh đầu tiên của nước ta bị quân Tưởng và bè lũ tay sai đặt chân tới sớm nhất hòng triển khai mưu đồ tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động đánh đổ chính quyền nhân dân, lập nguỵ quyền tay sai của chúng.
Song song với việc ngăn chặn và đập tan âm mưu của quân Tưởng và bè lũ tay sai, ngày 6 – 1 – 1946, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cho hàng vạn đồng bào các dân tộc trong tỉnh đi bầu cử đại biểu Quốc hội, thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam.
Thành quả xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân đã tạo động lực mạnh mẽ cho tỉnh Lạng Sơn sớm bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở màn bằng cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta chống lại cuộc tấn công gây hấn của thực dân Pháp ở thị xã Lạng Sơn ngày 25 tháng 11 năm 1946.
(Còn nữa)
Ý kiến ()