Sự kiện thành lập tỉnh Lạng Sơn
Sách Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn), chính biên đệ nhị kỷ ghi rõ “Tân Mão, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) mùa Đông, tháng Mười, ngày mồng 1 làm lễ Đông hưởng” (tức ngày 04 tháng 11 năm 1831), triều đình phong kiến nhà Nguyễn chia định địa hạt phía Bắc, đặt thành 18 tỉnh từ Quảng Trị trở ra, trong đó, có tỉnh Lạng Sơn.
Khi thành lập tỉnh, Lạng Sơn bao gồm 1 phủ là Trường Khánh; 7châu là: Ôn Châu, Thất Tuyền, Lộc Bình, Thoát Lãng, Yên Bác, Văn Quan và Văn Uyên.
Năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), đổi các châu Yên Bác, Văn Quan, Thất Tuyền thành huyện Yên Bác, huyện Văn Quan và huyện Thất Tuyền. Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) đặt thêm phủ Tràng Định. Từ đó, tỉnh Lạng Sơn có 2 phủ là phủ Tràng Khánh và phủ Tràng Định.
Phủ Tràng Định gồm có huyện Thất Tuyền, huyện Văn Quan, châu Thoát Lãng, châu Văn Uyên. Phủ lỵ ban đầu đặt ở xã Vĩnh Trại châu Thoát Lãng, sau dời về Đồng Đăng và cuối cùng dời về Thất Khê.
Đến thời Pháp thuộc, tỉnh Lạng Sơn là Đạo quan binh, gồm có: Châu Thất Khê, châu Thạch An, châu Phục Hoà (tỉnh Cao Bằng), châu Bình Gia và châu Bắc Sơn.
Thành phố Lạng Sơn ngày càng phát triển
Năm 1906, bãi bỏ đạo quan binh, thay vào đó bằng một đại lý sở nhà binh. Đất đai của đại lý sở nhà binh bao gồm châu Thất Khê, châu Thoát Lãng, châu Bình Gia. Đến cuối năm 1910, phủ Tràng Định được đặt lại và giữ cho đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Châu Cao Lộc: Nguyên thuỷ là châu Thoát Lãng gồm các tổng Hữu Thu, Trừ Trĩ, Trung Quan. Sở lỵ đặt ở phố Nam Cai, Kỳ Lừa (thị xã Lạng Sơn). Năm Thành Thái thứ tư, các tổng Cao Lâu, Trinh Nữ, Hoài Viễn (châu Lộc Bình) và tổng Hoàng Đồng sáp nhập lại để thành lập châu Cao Lộc. Đứng đầu châu là một viên tri châu, sở lỵ đặt ở Bản Ranh (tổng Cao Lâu), tám năm sau di chuyển đến Bản Xâm (tổng Cao Lâu). Đến năm Thành Thái thứ 10 được di chuyển về phố Kỳ Lừa.
Châu Lộc Bình: Ban đầu là phủ Tràng Khánh. Sau khi phủ Tràng Khánh chuyển xuống Quang Lang, Ôn Châu thì lại gọi là châu, gồm 7 tổng: Hoài Viễn, Trinh Nữ, Cao Lâu, Vân Mộng, Khuất Xá, Tú Đoạn và tổng Đông Quan (huyện Yên Bác cũ) sáp nhập vào, ít lâu sau sở lỵ đặt ở Ngao Thị (tổng Hoài Viễn). Năm 1894, sở lỵ chuyển vào Nà Dương tổng Đông Quan. Năm 1899, thủ phủ lại dời ra xã Lục Thôn, tổng Đồng Bục.
Châu Ôn: Thời Hậu Lê, một vị quan đặt ra phố Than Muội (phố Muội, hay còn gọi là phố Tuần Muội). Ôn Châu mới thành lập thời Minh Mệnh phụ thuộc vào phủ Tràng Khánh. Thủ phủ lúc đầu đặt ở Than Muội, năm 1917 dời lên Đồng Mỏ (tức là Đông Mồ).
Châu Văn Uyên: Được thành lập từ lâu gọi là Trấn Lập, năm 1914 đặt một bang tá tại châu, trụ sở đặt ở Cao Tri (Hạ Lang).
Châu Thoát Lãng: Thời Hậu Lê thủ phủ đặt ở xã Vĩnh Trại (khu vực Đông Kinh chợ Kỳ Lừa ngày nay). Năm 1894, sở lỵ chuyển tới khu vực Đông Nhau thuộc thôn Khău Bó (phố Na Sầm, còn gọi là hang Khău Bó), xã Hữu Thu, đến năm 1896 chuyển lên Na Sầm.
Châu Điềm He: Lúc đầu là huyện Văn Quan, sở lỵ đặt ở Phú Nhuận (khu vực chân đèo Lùng Pa đường đi về Co Vai xã Vĩnh Lại hiện nay). Năm thứ 20 thời Tự Đức, thủ phủ lại dời về xã Chi Quan. Sau chuyển tới Nà Vài rồi lại chuyển về Chi Quan. Tháng 9 năm Thành Thái thứ 5 (1894) bỏ châu Điềm He sáp nhập vào châu Văn Uyên phủ Tràng Định. Năm 1917, đặt bang tá và thành lập lại châu Điềm He.
Châu Bình Gia: Xưa thuộc huyện Văn Quan, sau tách từ huyện Văn Quan ra đặt thành châu Bình Gia vào tháng 9 năm Thành Thái thứ 5 (1894), phủ lỵ đặt tại phố Bình Gia hiện nay.
Châu Bắc Sơn: Trước đây thuộc châu Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên thường có nhiều bọn phỉ Trung Quốc đến cướp phá. Năm 1894, bọn giặc Tài Ngàn (Voòng Tài) bị tiêu diệt, châu Bắc Sơn được thành lập, trụ sở đặt ở Đàng Lang (xã Quỳnh Sơn) sau chuyển lên Mỏ Nhài (xã Hưng Vũ), có một viên quan tri châu người địa phương cai trị.
Châu Bằng Mạc: Thành lập năm 1894, gồm 4 tổng: Huân Phong (vùng Tri Lễ) thuộc huyện Văn Quan, tổng Yên Phúc thuộc châu Văn Uyên, tổng Bằng Mạc thuộc Châu Ôn và tổng Vạn Linh thuộc huyện Hữu Lũng (Bắc Giang), thủ phủ đặt ở làng Càng (xã Thượng Cường ngày nay). Năm Thành Thái thứ 7, thủ phủ chuyển vào Vạn Linh.
(Còn nữa)
.
Ý kiến ()