LSO-Hướng tới kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831 – 04/11/2011), trong thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã có nhiều hình thức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của sự kiện quan trọng này. Để phục vụ cho công tác tuyên truyền, Báo Lạng Sơn trân trọng giới thiệu Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 180 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và phát hành.Ải Chi Lăng - Ảnh: Tư liệuI- LẠNG SƠN QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬKhi nước Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải. Thời Bắc thuộc, Lạng Sơn được xếp vào quận Giao Chỉ, sau đó là Giao Châu. Thời Đinh, nước Đại Cồ Việt ra đời, Lạng Sơn được đặt làm đạo. Thời Lý, Lạng Sơn có tên là lộ Lạng Giang. Đầu thời Trần, Lạng Sơn được gọi là lộ Lạng Châu, sau đổi là trấn Lạng Giang, đến năm 1397, trấn Lạng Giang được đổi thành trấn Lạng Sơn.Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước...
LSO-Hướng tới kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831 – 04/11/2011), trong thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã có nhiều hình thức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của sự kiện quan trọng này. Để phục vụ cho công tác tuyên truyền, Báo Lạng Sơn trân trọng giới thiệu Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 180 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và phát hành.
|
Ải Chi Lăng – Ảnh: Tư liệu |
I- LẠNG SƠN QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ
Khi nước Văn Lang – nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải. Thời Bắc thuộc, Lạng Sơn được xếp vào quận Giao Chỉ, sau đó là Giao Châu. Thời Đinh, nước Đại Cồ Việt ra đời, Lạng Sơn được đặt làm đạo. Thời Lý, Lạng Sơn có tên là lộ Lạng Giang. Đầu thời Trần, Lạng Sơn được gọi là lộ Lạng Châu, sau đổi là trấn Lạng Giang, đến năm 1397, trấn Lạng Giang được đổi thành trấn Lạng Sơn.
Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta. Đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Minh, Lạng Sơn trở thành một trong 16 phủ của Giao Chỉ. Trong khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi chia đất nước thành 4 đạo, trấn Lạng Sơn được xếp vào Bắc đạo.
Năm 1466, Lê Thánh Tông chia nước thành 12 đạo thừa tuyên, trấn Lạng Sơn được đổi thành thừa tuyên Lạng Sơn.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), thừa tuyên Lạng Sơn được đổi thành tỉnh Lạng Sơn gồm 1 phủ, 7 châu, huyện. Đến năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), nhà Nguyễn tách 4 châu, huyện Văn Uyên, Văn Quan, Thất Khê (Thất Tuyền cũ) và Thoát Lãng thành một phủ mới là Tràng Định.
Sau khi đánh chiếm đất nước ta, năm 1888, thực dân Pháp xếp tỉnh Lạng Sơn vào quân khu 12. Tháng 8 – 1891, thực dân Pháp bỏ quân khu để thành lập các đạo quan binh. Lạng Sơn là nơi đóng thủ phủ của đạo quan binh hai, gồm 2 phủ, 2 huyện và 4 châu. Ngày 20 – 6 – 1905, thực dân Pháp lại bỏ đạo quan binh và xác lập lại tên gọi cũ là tỉnh Lạng Sơn. Đến cuối tháng 12 – 1907, Lạng Sơn gồm 2 phủ, 9 châu. Sau đó, năm 1917, thực dân Pháp đặt thêm châu Điềm He.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), Lạng Sơn trở thành một trong sáu tỉnh của căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 19 – 8 – 1956, khu tự trị Việt Bắc được thành lập gồm 6 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.
Ngày 27 tháng 12 năm 1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá V quyết định bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính. Tháng 4 năm 1976, tỉnh Lạng Sơn hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao – Lạng. Đến tháng 12 năm 1978, tỉnh Cao – Lạng lại tách ra thành 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.
II- KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, XÃ HỘI
1- Điều kiện tự nhiên
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới ở phía Đông Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng; phía Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang; phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn; phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên. Lạng Sơn có đường biên giới với Trung Quốc trên 230 km.
Tỉnh Lạng Sơn có diện tích tự nhiên là 8.331,24 km2 , trong đó rừng và đất chiếm 78%, đất nông nghiệp chiếm 13%. Độ cao trung bình của Lạng Sơn là 252m, nơi cao nhất là đỉnh núi Mẫu Sơn 1.541 m, nơi thấp nhất là dải đất hẹp thung lũng sông Thương, huyện Chi Lăng, độ cao dưới 100m. Khí hậu Lạng Sơn thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa hè, nhiệt độ trung bình là 27ºc, mùa đông trung bình là 13ºc. Lượng mưa hàng năm trung bình khoảng 1.400mm – 1.450mm. Độ ẩm cao trên 82%.
Lạng Sơn có nhiều sông ngòi, chia thành nhiều hệ thống. Hệ thống sông Kỳ Cùng nằm ở phía Bắc tỉnh, gồm có sông Kỳ Cùng dài 170 km, sông Bắc Giang dài 54 km, sông Bắc Khê dài 30 km. Hệ thống sông Thương ở phía Nam của tỉnh gồm có sông Rồng dài 54 km, sông Bắc Khê dài 30 km.
Đã từ lâu, Lạng Sơn nổi tiếng bởi có những cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú của các hàng động Tam Thanh, Nhị Thanh với hình tượng Nàng Tô Thị chờ chồng hoá đá; với Chùa Tiên, dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng, đỉnh núi Mẫu Sơn bốn mùa mây phủ, dịu mát quanh năm; với những cánh rừng hồi xanh ngát và trái cây đặc sản hồng Bảo Lâm, đào Mẫu Sơn, na Chi Lăng… Tại các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Khách (huyện Bình Gia), ở Ba Xã (huyện Văn Quan), ở Mai Pha (thành phố Lạng Sơn), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy chứng tích về di chỉ thời kỳ đồ đá, phản ánh nền văn minh sơ khai của loài người: Văn hoá Bắc Sơn, Văn hoá Mai Pha.
Do vị trí là một tỉnh miền núi, biên giới ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn có hệ thống đường giao thông thuận tiện cho giao thương, hội nhập phát triển kinh tế với Trung Quốc và với các tỉnh trong cả nước. Hệ thống các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh là các tuyến 1A, 1B, 4A, 4B, 3A, 3B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế. Hiện nay tỉnh Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 chợ biên giới. Trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Lạng Sơn cách thủ đô Hà Nội 154 km đi theo tuyến đường bộ, tuyến đường 1A, có điểm đầu quốc lộ 1A là km số 0, tại cửa khẩu Hữu Nghị thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.
2- Điều kiện xã hội
Dân số Lạng Sơn có khoảng trên 74 vạn người, với 83,52% là dân tộc thiểu số. Có 7 dân tộc chủ yếu là Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông. Trong đó, dân tộc Nùng chiếm 43,9%, dân tộc Tày chiếm 35,6%.
Với mạch nguồn văn hoá Bắc Sơn, văn hoá Mai Pha, văn hoá dân gian, văn hoá tín ngưỡng truyền thống, từ đời này qua đời khác, các thế hệ con người Xứ Lạng mãi lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc qua các lễ hội đền Kỳ Cùng, lễ hội đền Tả Phủ (còn gọi là lễ hội đầu pháo), lễ hội Đồng Đăng, lễ hội đền Bắc Nga, lễ hội đền Bắc Lệ, lễ hội Lồng tồng lưu truyền phổ biến làn điệu dân ca sli, lượn trữ tình, sâu lắng và làn điệu then cùng tiếng đàn tính đằm thắm, dịu dàng.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, do sự biến động và điều chỉnh địa giới hành chính, đến năm 2011, tỉnh Lạng Sơn có 11 huyện, thành phố là: Thành phố Lạng Sơn, huyện Bắc Sơn, huyện Bình Gia, huyện Cao Lộc, huyện Chi Lăng, huyện Đình Lập, huyện Tràng Định, huyện Lộc Bình, huyện Văn Lãng, huyện Văn Quan và huyện Hữu Lũng với 226 xã, phường, thị trấn.
(Còn nữa)
Ý kiến ()