Lạng Sơn qua 5 năm thực hiện Nghị định số 152/2007/NĐ-CP
LSO-Thực hiện Nghị định số 152/2007/NĐ-CP, ngày 10/10/2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ (KVPT) và Nghị quyết số 28-NQ-TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cấp tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Qua đó, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ban CHQS thành phố Lạng Sơn xây dựng kế hoạch diễn tập tác chiến phòng thủ tại khu sơ tán |
Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung xây dựng tiềm lực chính trị, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh ở các cấp; tăng cường lãnh đạo, củng cố, xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng. Công tác phát triển Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh không có thôn, bản và trường học “trắng” đảng viên. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức kết nạp được trên 11.500 đảng viên mới, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Công tác giáo dục quốc phòng – an ninh (QP-AN) được quan tâm triển khai tích cực, trước hết là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện đến cơ sở và thế hệ trẻ. Cụ thể, 5 năm qua, số cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng kiến thức QP-AN đạt trên 75% (trong đó: đối tượng 1 đạt 94,4%; đối tượng 2 đạt 66,4%; đối tượng 3 đạt 76,6%; đối tượng 4 đạt 68,8%; đối tượng 5 đạt 54,7%). Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm bồi dưỡng cho trên 3.000 đối tượng là chức sắc tôn giáo, già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân luôn phát huy vai trò tập hợp quần chúng, chú trọng củng cố tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đối với xây dựng tiềm lực kinh tế, Lạng Sơn đã hoàn thành qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh, tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó, có trên 70 qui hoạch được điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới; triển khai thực hiện qui hoạch chi tiết các khu vực phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, các khu công nghiệp, làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế, thương mại, củng cố thế trận QP-AN trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc đúng tiến độ, làm được 60/278 km đường vành đai biên giới. Thực hiện các dự án xây dựng điểm dân cư, cụm dân cư trên các địa bàn trọng điểm, đã triển khai 28 dự án kinh tế, định canh, định cư, thành lập thôn, bản mới ở các xã giáp biên. Tổ chức ổn định dân cư cho gần 8.400 hộ dân ở các thôn, bản giáp biên, giao đường biên, cột mốc quốc giới cho 730 hộ dân sinh sống ở thôn, bản giáp biên, phối hợp cùng với Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ.
Trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn tiếp tục có những chuyển biến đáng kể. Nếu như năm 2007, sản lượng lương thực đạt 288,148 nghìn tấn, thì đến năm 2012 tăng lên 304,234 nghìn tấn, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của nhân dân trong thời bình và bảo đảm tích lũy cho nhu cầu năm đầu nếu xảy ra chiến tranh. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có bước chuyển biến tiến bộ, quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục, y tế phát triển và đa dạng hóa, chất lượng ở các cấp học được nâng lên. Đến hết năm 2012, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và tiểu học đúng độ tuổi, toàn tỉnh có 15% tổng số trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, có 86,6% trạm y tế có bác sỹ; duy trì mô hình bệnh xá quân – dân y ở 14 xã thuộc vùng sâu, biên giới. Các cơ sở y tế ở các tuyến được phân bố đều trên các hướng trong khu vực phòng thủ tạo thuận lợi cho cứu thương, chuyển tuyến bảo đảm phục vụ cho nhu cầu động viên quốc phòng…
Đối tượng 5 tham gia học tập kiến thức quốc phòng- an ninh tại Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh |
Song song với đó, công tác xây dựng tiềm lực QP-AN được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quân tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện theo hướng “Cách mạng, chính qui, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “Vững mạnh, rộng khắp”. Lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý chặt chẽ, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dự bị động viên chiếm 14,24%, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 77,35%. Hằng năm kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị đạt 99,9% chỉ tiêu, tổ chức huấn luyện đạt 100% chỉ tiêu. Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng.
Có thể nói rằng, để đạt được những kết quả trên, các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố, tăng cường AN-QP. Lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có trình độ kỹ thuật, chiến thuật, chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo ra thế và lực mới bảo vệ Tổ quốc.
Ý kiến ()