Lạng Sơn phát triển sản xuất công nghiệp
Là một tỉnh miền núi, sau nhiều năm phấn đấu nâng tỷ trọng sản xuất công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng đến nay công nghiệp Lạng Sơn vẫn còn khó khăn và thiếu ổn định. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong những năm tới, Lạng Sơn cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bền vững.Xây dựng các khu,cụm công nghiệpTrên công trường xây dựng Nhà máy xi-măng Đồng Bành, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), không khí lao động rất khẩn trương, nhộp nhịp. Sau gần năm năm thi công, đến nay nhà máy đang huy động các chuyên gia, kỹ sư, khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại để đốt lò chạy thử, sản xuất clanh-ke. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xi-măng Đồng Bành Ngô Đăng Chinh cho biết: Nhà máy được khởi công từ tháng 10-2006, dự kiến thi công trong hai năm, nhưng do thiếu vốn và vướng giải phóng mặt bằng, cho nên đến nay mới cơ bản hoàn thành các hạng mục. Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, khi đi vào sản xuất...
Xây dựng các khu,cụm công nghiệp
Trên công trường xây dựng Nhà máy xi-măng Đồng Bành, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), không khí lao động rất khẩn trương, nhộp nhịp. Sau gần năm năm thi công, đến nay nhà máy đang huy động các chuyên gia, kỹ sư, khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại để đốt lò chạy thử, sản xuất clanh-ke. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xi-măng Đồng Bành Ngô Đăng Chinh cho biết: Nhà máy được khởi công từ tháng 10-2006, dự kiến thi công trong hai năm, nhưng do thiếu vốn và vướng giải phóng mặt bằng, cho nên đến nay mới cơ bản hoàn thành các hạng mục. Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, khi đi vào sản xuất mỗi năm cung cấp cho thị trường 910 nghìn tấn xi-măng mác PCB40, tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.
Cùng với xây dựng nhà máy xi-măng, tại Khu công nghiệp (KCN) Đồng Bành, tỉnh đã hoàn chỉnh quy hoạch, mời gọi đầu tư tám dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 62 triệu USD. Cụ thể như: Dự án sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới, với 15 triệu sản phẩm /năm, vốn đầu tư 15 triệu USD; dự án lắp ráp xe máy, năm triệu sản phẩm/năm…
Cụm công nghiệp (CCN) Na Dương, huyện Lộc Bình, cách đây gần năm năm còn là vùng đất hoang sơ, nay một nhà máy nhiệt điện đã đi vào vận hành, mỗi năm cung cấp hàng trăm triệu kW giờ điện, hàng nghìn lao động có việc làm, trở thành CCN lớn của tỉnh. Giám đốc Công ty than Na Dương Phạm Đức Thiện cho biết: Than Na Dương là loại than đặc chủng trước đây chỉ cung cấp cho Nhà máy xi-măng Hải Phòng và Nhà máy xi-măng Bỉm Sơn. Khi các nhà máy này đổi mới công nghệ, hàng nghìn lao động khai thác than không có việc làm, công ty đứng bên bờ vực phá sản. Trước tình hình đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lập dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện, với hai tổ máy có tổng công suất 100 MW. Năm 2005, Nhà máy nhiệt điện Na Dương chính thức phát điện thương phẩm hòa vào lưới điện quốc gia, việc đưa vào vận hành nhà máy đã tạo việc làm ổn định cho hơn 700 lao động. Mỗi năm công ty khai thác, cung cấp cho nhà máy nhiệt điện từ 550 đến 580 nghìn tấn than, bảo đảm cho nhà máy vận hành, phát điện liên tục, những ngày thiếu điện vừa qua nhà máy đã hoạt động hết công suất. Từ sự thành công của dự án than – điện, TKV đang tiếp tục lập dự án xây dựng thêm một nhà máy mới có công suất tương đương.
Tạo bước đột phá
Để tạo bước đột phá, tỉnh Lạng Sơn đã hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp, quy hoạch xây dựng hai KCN động lực của tỉnh là KCN Đồng Bành (Chi Lăng) và KCN Hồng Phong (Cao Lộc), với tổng diện tích hơn 769 ha. Tại hai KCN này tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho năm dự án gồm: Nhà máy xi-măng Đồng Bành; dự án sản xuất nồi hơi dùng năng lượng sinh học; Nhà máy lắp ráp ô-tô FAW- Hoàng Trà; Nhà máy xi-măng Hồng Phong công suất 350 nghìn tấn/năm; Nhà máy chế biến thỏi chì 100% vốn nước ngoài, công suất mười nghìn tấn/năm, đầu tháng bảy đã đi vào hoạt động. Cùng với hoạch định chiến lược phát triển các KCN, tỉnh tập trung xây dựng các CCN địa phương như: CCN số 2 Hoàng Đồng; CCN Hữu Lũng và CCN Hợp Thành. Trong đó CCN Hợp Thành có Nhà máy gạch tuy-nen do Công ty cổ phần gạch ngói Hợp Thành đầu tư, công suất 20 triệu viên/ năm. Nhà máy gốm sứ do Công ty TNHH Hưng Thịnh đầu tư đã đi vào sản xuất với doanh thu hơn 25 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 200 lao động địa phương…
Cùng với việc xây dựng các KCN và CCN, từ tháng 10-2008, tỉnh Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, có tổng diện tích hơn 39.400 ha. Sau gần ba năm đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho năm dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 2.101 tỷ đồng, trong đó có dự án xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa với tổng mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng…
Thời gian gần đây, với nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh, sản xuất công nghiệp ở Lạng Sơn tuy đã từng bước thay đổi, nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, tỷ trọng công nghiệp xây dựng trong GDP của tỉnh mới chiếm 21 đến 22%. Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh mới đạt 1.452 tỷ đồng, chiếm hơn 10,13%, với một số sản phẩm chủ yếu là: Xi-măng, đá, than sạch, sản xuất điện… Để đến năm 2015, tỷ trọng sản xuất công nghiệp đạt từ 23 đến 24%, tỉnh cần tập trung triển khai chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt, trong đó trọng tâm là công tác kêu gọi đầu tư. Thực tế cho thấy, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, thế mạnh, song đến nay vẫn chưa được khai thác có hiệu quả, kinh tế chậm phát triển; mỗi năm thu ngân sách đạt gần hai nghìn tỷ đồng, trong đó 70% là thu thuế xuất, nhập khẩu. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các KCN và CCN rất hạn chế, quỹ đất xây dựng rất hạn hẹp, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, do thiếu vốn, cho nên các nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư hoặc đầu tư nhỏ giọt. Ngoài ra, khâu đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh còn nhiều hạn chế. Những nguyên nhân trên dẫn đến việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh thấp. Sáu tháng đầu năm, tỉnh mới mời gọi đầu tư được hai dự án đầu tư nước ngoài, với vốn đầu tư hơn 3,2 triệu USD, nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh lên 33 dự án, tổng vốn đầu tư còn hiệu lực hơn 179,2 triệu USD…
Khắc phục những hạn chế trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Phùng Thanh Kiểm cho biết: Tỉnh rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư trong nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý. Hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương; có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và các KCN, CCN. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế thực hiện liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()