Lạng Sơn phát huy sức mạnh đoàn kết trong chiến dịch Điện Biên Phủ
LSO - Cuối năm 1951, Đại hội đại biểu Mặt trận Liên Việt tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất được tổ chức tại thôn Khòn Quyền, xã Hồng Phong, huyện Văn Uyên (nay thuộc huyện Cao Lộc). Đại hội đã cử ra Ủy ban Liên Việt tỉnh khóa I do ông Trương Mạnh Đức làm chủ tịch (nhiệm kỳ 1951-1955) và đề ra phương hướng nhiệm vụ của mặt trận. Tổ chức mặt trận của tỉnh đã phát huy vai trò, tác dụng trong việc động viên và đoàn kết toàn dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Đặc biệt trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường Tây Bắc, giúp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (1954).
LSO – Cuối năm 1951, Đại hội đại biểu Mặt trận Liên Việt tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất được tổ chức tại thôn Khòn Quyền, xã Hồng Phong, huyện Văn Uyên (nay thuộc huyện Cao Lộc). Đại hội đã cử ra Ủy ban Liên Việt tỉnh khóa I do ông Trương Mạnh Đức làm chủ tịch (nhiệm kỳ 1951-1955) và đề ra phương hướng nhiệm vụ của mặt trận. Tổ chức mặt trận của tỉnh đã phát huy vai trò, tác dụng trong việc động viên và đoàn kết toàn dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Đặc biệt trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường Tây Bắc, giúp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (1954).
![]() |
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ngày nay MTTQ tỉnh Lạng Sơn tích cực Vận động giúp đỡ người nghèo |
Trong chiến cuộc Đông – Xuân (1953-1954), tại chiến trường Bắc Bộ, Tây Bắc, quân và dân ta mở nhiều chiến dịch lớn. Chiến dịch diễn ra ở địa hình rừng núi, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng đường chiến lược, chiến dịch hầu như chưa có; vùng Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển. Vì thế, bảo đảm vật chất hậu cần, kỹ thuật cho chiến dịch lớn, dài ngày gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy sức mạnh của toàn dân tộc (ở cả hậu phương và tiền tuyến) nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược. Khi đó, ở hậu phương Lạng Sơn, Mặt trận Liên Việt tỉnh (nay là MTTQ Việt Nam tỉnh) đang tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia lao động sản xuất, ổn định tư tưởng vùng mới giải phóng; tích cực tham gia các phong trào, sẵn sàng chi viện cho chiến trường để đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thời điểm này, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, mặt trận và các tổ chức đoàn thể nông hội, phụ nữ, thanh niên, công đoàn đã được củng cố tăng cường về số lượng và chất lượng. Các tổ chức thành viên trong Mặt trận Liên Việt tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc vận động quần chúng đoàn viên, hội viên tham gia phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, bảo vệ trị an xã hội, tham gia phục vụ tiền tuyến, sẵn sàng chiến đấu. Đến cuối năm 1953, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ trong tỉnh đã phát động được hàng nghìn đoàn viên, hội viên, công nhân viên chức tham gia vào các việc xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua trong tỉnh. Tổ chức “Công giáo cứu quốc” đã làm tốt công tác tuyên truyền giác ngộ, củng cố niềm tin của giáo dân vào đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, ngăn chặn các hoạt động của bọn gián điệp và bọn phản động hòng lôi kéo giáo dân di cư vào Nam.
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, mặt trận tỉnh đã hướng dẫn các đoàn thể tổ chức mở các lớp học phổ biến chính sách dân tộc của Đảng cho đồng bào dân tộc, nhất là ở những vùng bị địch kích động phát sinh mâu thuẫn dân tộc như phía Nam huyện Cao Lộc, phía Bắc huyện Ôn Châu, phía Tây huyện Lộc Bình và phía Tây huyện Bình Gia. Đến giữa năm 1954, có 150.000 đồng bào đã được học tập chính sách. Thông qua đó, đồng bào nhận thức rõ âm mưu thâm hiểm của bọn phản động và các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, tin tưởng vào chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, hăng hái tham gia các phong trào do các đoàn thể phát động. Ngày 6/3/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng bắt đầu huy động lực lượng dồn sức cho Điện Biên Phủ. Đáp ứng cho chiến dịch, là tỉnh hậu phương có nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, mặt trận tỉnh Lạng Sơn và các tổ chức thành viên đã động viên 700 thanh niên tham gia nhập ngũ, kịp thời chi viện cho chiến cuộc Đông – Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1954, toàn tỉnh huy động được 45 tấn thực phẩm, đóng góp 200.000 ngày công làm đường vận chuyển, xây dựng các binh trạm phục vụ chiến dịch. Hàng nghìn dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam và Độc Lập, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn thể dân tộc Lạng Sơn vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường, vừa tăng cường công tác dân vận, địch vận tuyên truyền, khuyếch trương chiến thắng của ta trên chiến trường Điện Biên Phủ, làm lung lay tinh thần và làm tan rã hàng ngũ địch; đồng thời tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Sau 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, quân và dân Lạng Sơn đã cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/51954), đánh bại hoàn toàn quân viễn chinh Pháp, lập lại hòa bình ở miền Bắc, cả nước bước sang thời kỳ cách mạng mới, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
59 năm đã trôi qua, bên cạnh những ý nghĩa to lớn về quân sự, chính trị, xã hội, ngoại giao, chiến thắng Điện Biên Phủ được giới nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế đánh giá là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Với trận Điện Biên Phủ, tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã hóa thân vào mỗi chiến công, trở thành chất keo gắn bó mọi miền, giữa đơn vị này và đơn vị khác, giữa chỉ huy với chiến sĩ, giữa chiến sĩ với nhau và đặc biệt là giữa bộ đội với nhân dân. Để tạo nên nguồn sức mạnh to lớn đó, có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức mặt trận của khắp mọi miền Tổ quốc. MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn (khi đó là Mặt trận Liên Việt tỉnh) cũng đã phát huy khả năng tập hợp, đoàn kết sức mạnh của quần chúng nhân dân trong tỉnh tất cả chi viện cho tiền tuyến. Và nối tiếp bài học kinh nghiệm vô giá đó, Lạng Sơn lại tiếp sức cho lực lượng vũ trang, quân và dân cả nước tiếp tục đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hôm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cả nước kỷ niệm 59 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2013), kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ấy, ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại vẫn luôn tỏa sáng. Qua đó, bài học lịch sử về phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân vẫn được các thế hệ lãnh đạo MTTQ tỉnh Lạng Sơn kế thừa và phát huy. Ông Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Lạng Sơn khẳng định, các cấp mặt trận trong tỉnh cần chủ động tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về vai trò đại đoàn kết dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực góp phần giữ gìn, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Mặt trận các cấp trong tỉnh phải thực sự mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, có như vậy mới tạo nên sự đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chỉ trên cơ sở sự đồng tình, ủng hộ và tự nguyện tham gia của nhân dân, giữ vững thế trận lòng dân thì mới giữ vững ổn định chính trị, tạo nên sức mạnh đưa công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đi đến thành công.
Thanh Hòa
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()