Lạng Sơn phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch
LSO-Có thể thấy, cùng với những tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế – xã hội, Lạng Sơn còn có vốn di sản văn hóa (DSVH) phong phú, đa dạng, là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ phát triển du lịch với nhiều loại hình hấp dẫn.
Sư tử mèo – nét văn hóa độc đáo của ngày hội xã Hải Yến (Cao Lộc) hàng năm |
DSVH vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Còn DSVH phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Căn cứ vào nội dung mà Luật DSVH quy định có thể thấy, vốn DSVH của Lạng Sơn phong phú gồm cả DSVH vật thể và phi vật thể.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về văn hóa, trong những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã, đang hết sức quan tâm đẩy mạnh việc phát huy giá trị các DSVH trong phát triển nói chung, du lịch nói riêng bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong từng giai đoạn làm cơ sở, định hướng để công tác trên triển khai hiệu quả. Đây chính là những điều kiện thuận lợi góp phần bồi đắp nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh thêm phong phú cũng như thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Từ những chủ trương, định hướng đúng đắn, Lạng Sơn đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu DSVH phi vật thể nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm giàu kho tàng DSVH của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt công tác bảo tàng. Theo đó, đáng chú ý nhất là việc duy trì và phát huy giá trị DSVH lễ hội truyền thống và dân ca. Theo thống kê, hàng năm, trong toàn tỉnh có hơn 300 lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Công tác sưu tầm, phục dựng, tổ chức, quản lý lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, phát huy giá trị, hướng đến những điều chân – thiện – mỹ. Nhiều năm qua, tỉnh tổ chức tốt chương trình khai mạc lễ hội xuân Xứ Lạng; các huyện, thành phố đều lựa chọn 1, 2 lễ hội tiêu biểu để tổ chức điểm nhằm tạo điểm nhấn ấn tượng về loại hình du lịch lễ hội kết hợp du lịch văn hóa tâm linh tích cực. Trong các lễ hội, các trò chơi, trò diễn, thể thao dân tộc, dân ca, giới thiệu văn hóa ẩm thực… được duy trì và tăng cường. Nhờ đó, mỗi lễ hội từng bước tạo được dấu ấn riêng. Ví như: nói về lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng, thành phố Lạng Sơn là nhớ đến những làn điệu then, sli mượt mà, ý nhị, là các nghi lễ cúng Thần Nông cầu mùa đậm chất dân gian. Hay nói đến hát ví có lễ hội xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn); ngày hội xã Hải Yến (Cao Lộc) với các màn múa sư tử mèo độc đáo…
Đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH vật thể cũng thu được nhiều kết quả. Toàn tỉnh có gần 600 điểm, khu di tích đã được kiểm kê, quản lý và xếp hạng. Trong đó, có khoảng 120 di tích xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Theo đó, công tác nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ được chú trọng; đặc biệt công tác lập hồ sơ xếp hạng các di tích được đẩy mạnh, góp phần nâng tầm giá trị di tích, giáo dục truyền thống, là điểm đến thu hút, hấp dẫn du khách. Có thể kể ra các di tích phát huy tốt giá trị, thu hút nhiều du khách như: đền Kỳ Cùng, Chùa Tiên, Chùa Thành, đền Cửa Đông, Khu danh thắng Nhị, Tam Thanh, đền Bắc Lệ, đền Mẫu Đồng Đăng,… Tất nhiên, để công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH được thuận lợi thì các cơ quan, đơn vị chuyên trách đã được thành lập, kiện toàn như: Ban Quản lý di tích tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý khu du lịch Mẫu Sơn, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh,… Cùng với đó còn có CLB đàn và hát dân ca tỉnh, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh. Các đơn vị, tổ chức trên luôn đẩy mạnh hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH của tỉnh.
Du khách tham quan động Tam Thanh (TPLS) |
Có thể khẳng định, việc phát huy vốn DSVH đã, đang góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch nói chung, du lịch di sản nói riêng phát triển. Đồng thời, DSVH trở thành những tài nguyên quý giá cho nhiều loại hình du lịch ý nghĩa khác như: du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh tích cực, du lịch lễ hội… Do đó, mỗi năm, lượt du khách đến với tỉnh tăng lên. Nếu năm 2009, thu hút 1,81 triệu lượt du khách thì đến năm 2012 đã đạt trên 2 triệu lượt. Năm 2013, Lạng Sơn phấn đấu thu hút trên 2,3 triệu lượt du khách. Điều đó cho thấy, việc phát huy tiềm năng, lợi thế, vốn DSVH là đúng hướng và còn tác động tích cực đếnviệc xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh.
Thời gian tới, phát huy giá trị DSVH trong phát triển du lịch, Lạng Sơn sẽ tiếp tục tập trung khai thác, phát huy giá trị các DSVH tiêu biểu, đặc trưng; phát huy DSVH vật thể gắn kết với các DSVH phi vật thể để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, xây dựng những tuyến, điểm du lịch hấp dẫn. Cùng với đó nâng cao tính chuyên nghiệp các hoạt động dịch vụ; tăng cường liên kết du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá… Và, chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” chính là một trong những hoạt động thiết thực đó.
Ý kiến ()