LSO-Lạng Sơn có trên 10,2 nghìn người tàn tật (NTT). Nhìn chung, NTT gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt. Thực hiện Pháp lệnh về NTT và xác định việc chăm lo, trợ giúp NTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh, ngày 29/6/2007, UBND tỉnh đã có Quyết định 1153 phê duyệt đề án trợ giúp NTT giai đoạn 2007-2010. Đánh giá kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện, ông Vi Xuân Mai, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Từ năm 2007-2010, toàn tỉnh đã có 9.304 lượt NTT thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp xã hội, 100% NTT thuộc hộ nghèo được khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế của Nhà nước bằng thẻ BHYT đảm bảo kịp thời theo đúng chế độ quy định của Nhà nước.Đề án trợ giúp NTT giai đoạn 2007-2010 của tỉnh đã cấp 114 xe lăn, xe bàn cho trẻ em tàn tật dưới 16 tuổiĐối với vấn đề trợ giúp dạy nghề và tạo việc làm, năm 2008, tỉnh đã phê duyệt mô hình điểm: “hỗ trợ...
LSO-Lạng Sơn có trên 10,2 nghìn người tàn tật (NTT). Nhìn chung, NTT gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt.
Thực hiện Pháp lệnh về NTT và xác định việc chăm lo, trợ giúp NTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh, ngày 29/6/2007, UBND tỉnh đã có Quyết định 1153 phê duyệt đề án trợ giúp NTT giai đoạn 2007-2010. Đánh giá kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện, ông Vi Xuân Mai, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Từ năm 2007-2010, toàn tỉnh đã có 9.304 lượt NTT thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp xã hội, 100% NTT thuộc hộ nghèo được khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế của Nhà nước bằng thẻ BHYT đảm bảo kịp thời theo đúng chế độ quy định của Nhà nước.
|
Đề án trợ giúp NTT giai đoạn 2007-2010 của tỉnh đã cấp 114 xe lăn, xe bàn cho trẻ em tàn tật dưới 16 tuổi |
Đối với vấn đề trợ giúp dạy nghề và tạo việc làm, năm 2008, tỉnh đã phê duyệt mô hình điểm: “hỗ trợ dạy nghề gắn với việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho NTT”. Mô hình được thực hiện bằng hình thức liên kết với Trung tâm dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật của tỉnh Hòa Bình, dạy nghề thêu tay truyền thống và nghề làm tăm tre, chổi đót cho 15 lao động khuyết tật của tỉnh. Đây là mô hình mang tính xã hội hóa có sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp NTT mạnh dạn, tự tin, tự lập bước vào sản xuất kinh doanh, cạnh tranh với thị trường.
Kết thúc mô hình đã hình thành 2 cơ sở sản xuất dành riêng cho người khuyết tật, tạo việc làm cho 10-15 lao động có thu nhập ổn định từ 400-600 ngàn đồng/ người/tháng. Năm 2009, ngành LĐTB&XH tỉnh đã tổ chức trợ giúp về dạy nghề và tạo việc làm về chổi chít, tăm tre và nghề mộc dân dụng cho 17 NTT, tạo điều kiện cho NTT còn khả năng lao động được học nghề, tạo việc làm và có thể sống bằng nghề đã được đào tạo, ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trong số NTT trên địa bàn tỉnh hiện nay có đến 4.054 NTT là nữ, chiếm 40,15% tổng số NTT. Thực hiện trợ giúp phụ nữ khuyết tật, năm 2010, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 14 lớp tập huấn cho 700 hội viên về kiến thức chăm sóc NTT tại 11 huyện, thành phố. Sở Nội vụ tổ chức hội nghị tọa đàm cho 69 NTT thuộc Hội NTT của thành phố Lạng Sơn. Đối với công tác trợ giúp văn hóa, Sở GD&ĐT đã mở được 4 lớp cho 131 giáo viên cốt cán của các phòng GD&ĐT nội dung truyền đạt các kỹ năng dạy trẻ khuyết tật. Công tác phát hiện, can thiệp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng được tỉnh thực hiện hiệu quả.
Qua 3 năm, tỉnh đã phối hợp với Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật Bắc Thái tiến hành khám sàng lọc và phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho 100 NTT. Bên cạnh đó, các tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ cho NTT của tỉnh Lạng Sơn và cấp 114 xe lăn, xe bàn dành cho trẻ em bại não dưới 16 tuổi, góp phần giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên bản thân NTT và gia đình NTT.
Những kết quả trên có thể khẳng định đề án trợ giúp NTT của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2007-2010 đã thực sự có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay đề án đã kết thúc, kinh phí dành cho các chương trình, hoạt động trợ giúp NTT theo đề án đã hết. Vấn đề này cũng thực sự gây khó khăn cho việc trợ giúp NTT trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, trong năm 2011, tỉnh ta nỗ lực thực hiện trợ giúp NTT thông qua công tác trợ giúp thường xuyên và cứu trợ đột xuất. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2011 đến nay, ngành LĐTB&XH tỉnh đã cứu trợ thường xuyên cho 8.636 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 3.315 người khuyết tật. Trong năm 2011 có 21 người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Ông Vi Xuân Mai cho biết: Mặc dù đề án trợ giúp NTT giai đoạn 2007-2010 đã kết thúc, song hiện nay với trách nhiệm của cơ quan tham mưu, ngành LĐTB&XH đang xây dựng đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng giai đoạn 2011-2015. Đây cũng là một đề án rất thiết thực, trực tiếp vào đối tượng người khuyết tật, cụ thể là người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí… Với những nỗ lực tích cực đó, tin rằng, bước vào năm 2012, đề án sẽ được tỉnh và Bộ LĐTB&XH phê duyệt, tạo điều kiện chăm lo về sức khỏe, trợ giúp nghề nghiệp, việc làm cho NTT, từng bước giúp họ vững tin vào bản thân, tự lực vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Thanh Huyền
Ý kiến ()