Thứ 4, 06/11/2024 01:46 [(GMT +7)]
Lạng Sơn nỗ lực thực hiện bình đẳng giới
Thứ 2, 17/10/2011 | 14:06:00 [(GMT +7)] A A
Bà Nguyễn Thị Kim Quy, Phó Chánh văn phòng, Sở LĐTB&XH, Thư ký Ban VSTBCPN tỉnh cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 tỉnh Lạng Sơn; kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, Ban VSTBCPN tỉnh tổ chức 7 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hoạt động VSTBCPN tại một số huyện và Sở, ngành trên địa bàn tỉnh trong tháng 10/2011… Những hoạt động thiết thực trên đã cho thấy nỗ lực của Lạng Sơn trên con đường tiến tới bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện nay.
LSO-Bình đẳng giới là một chiến lược, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, bình đẳng với nam giới. Lịch sử đã ghi nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc. Trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay, chị em phụ nữ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.
Tuyên truyền phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ xã Hùng Sơn, Tràng Định |
Tại Lạng Sơn, thực hiện Luật Bình đẳng giới năm 2006, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, qua đó tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh về thực hiện hình đẳng giới. Hiệu quả của công tác tuyên truyền đã từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao. Điển hình có thể kể đến một số ngành nghề mà theo quan niệm là công việc của nam giới nhưng hiện nay số lượng chị em tham gia rất đông như nghề bảo vệ chuyên nghiệp hay còn gọi là vệ sĩ; lái xe taxi, nghề chạy “xe ôm”… Đối với chị em là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay đều được các đơn vị quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới, nhất là trong việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo, bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại đơn vị.
Theo đoàn kiểm tra của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh (VSTBCPN) đến kiểm tra tại Sở Khoa học và Công nghệ, các thành viên trong đoàn đều rất “ấn tượng” đối với việc thực hiện công tác bình đẳng giới tại đơn vị. Đó là hiện nay đơn vị có tới 46,7% cán bộ nữ trên tổng số cán bộ, công chức của Sở và tỷ lệ đội ngũ lãnh đạo nữ chiếm tới 44%. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá rất cao vấn đề quy hoạch đào tạo cũng như bổ nhiệm lãnh đạo nữ của Sở Khoa học và Công nghệ. Bà Nhàn cho rằng, con số này thực sự là niềm mơ ước của nhiều ngành bởi ví như ngành nông nghiệp của đơn vị bà Nhàn công tác thì số lãnh đạo nữ đếm được trên đầu ngón tay và việc tìm nguồn để quy hoạch cũng thực sự là vấn đề nan giải.
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh |
Tại một số đơn vị khác như Sở LĐTB&XH cũng có kết quả rất tích cực, hiện nay toàn ngành có 68/176 cán bộ, công chức nữ, chiếm 38,6%; số lãnh đạo nữ của ngành LĐTB&XH là 18/68 nữ cán bộ, công chức của đơn vị, chiếm 26,5%. Đối với ngành BHXH Lạng Sơn, tổng số nữ cán bộ, công chức, lao động của toàn ngành là 90/175, chiếm 51%. Số cán bộ nữ được bố trí làm việc trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành, tất cả các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành phố đều có cán bộ nữ, hầu hết các đơn vị đều có số cán bộ nữ chiếm từ 50% trở lên. Hiện nay, có 6 nữ cán bộ tham gia cấp ủy, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo từ cấp phòng và BHXH các huyện, thành phố trở lên là 17/36, chiếm 47,22% cán bộ quản lý của toàn ngành… Một số kết quả trên cho thấy, hiện nay tại nhiều cơ quan, đơn vị việc thực hiện bình đẳng giới đã ngày càng đi vào đời sống, thông qua nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt trong vấn đề việc làm, lao động, chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ.
Đối với phụ nữ khối doanh nghiệp, hiện nay, rất nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp là chị em phụ nữ. Điển hình như chị Đào Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thành Long; chị Thanh Tâm, nhà may Thanh Tâm; chị Lương Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Hưng Thịnh… Cùng với việc giữ vai trò lãnh đạo, các chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chủ động chăm lo và giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cho lao động nữ trong đơn vị.
Trong việc giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, thời gian qua, Ban VSTBCPN các cấp, trong đó các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân đã thực hiện tốt việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. Hàng năm, các tổ chức đã hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, trong đó có hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Thực hiện bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho nhóm phụ nữ dưới 40 tuổi. Hệ thống các nhà trường tăng cường tuyên truyền mở lớp xóa mù chữ, bổ túc tiểu học, bổ túc THCS để huy động người chưa biết chữ đi học.
Ngày càng nhiều chị em phụ nữ tham gia hoạt động tại các tổ chức đoàn thể xã hội |
Bà Nguyễn Thị Kim Quy, Phó Chánh văn phòng, Sở LĐTB&XH, Thư ký Ban VSTBCPN tỉnh cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 tỉnh Lạng Sơn; kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, Ban VSTBCPN tỉnh tổ chức 7 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hoạt động VSTBCPN tại một số huyện và Sở, ngành trên địa bàn tỉnh trong tháng 10/2011… Những hoạt động thiết thực trên đã cho thấy nỗ lực của Lạng Sơn trên con đường tiến tới bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện nay.
Thanh Huyền
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()