LSO-Trong vòng 3 năm trở lại đây, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được các cơ quan chuyên môn thực hiện một cách khá chặt chẽ. Điểm nhấn của công tác này là việc áp dụng và triển khai thực hiện một cách đồng bộ quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được ban hành kèm theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.Ông Hoàng Mạnh Chức, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho biết: Nếu như trước đây chưa có quy chế thì chi cục phải cử cán bộ đi kiểm tra chất lượng cây giống của từng vườn ươm trước khi xuất vườn, thực hiện theo quy trình như vậy bộc lộ rất nhiều hạn chế, không phát huy được hết trách nhiệm của các chủ vườn ươm, trong khi đó lại không giám sát hết được toàn bộ quá trình sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp từ khâu xây dựng nguồn giống, sản xuất vật liệu giống cho đến sản xuất cây con ở vườn ươm và sử dụng cho trồng rừng. Trong...
LSO-Trong vòng 3 năm trở lại đây, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được các cơ quan chuyên môn thực hiện một cách khá chặt chẽ. Điểm nhấn của công tác này là việc áp dụng và triển khai thực hiện một cách đồng bộ quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được ban hành kèm theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Ông Hoàng Mạnh Chức, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho biết: Nếu như trước đây chưa có quy chế thì chi cục phải cử cán bộ đi kiểm tra chất lượng cây giống của từng vườn ươm trước khi xuất vườn, thực hiện theo quy trình như vậy bộc lộ rất nhiều hạn chế, không phát huy được hết trách nhiệm của các chủ vườn ươm, trong khi đó lại không giám sát hết được toàn bộ quá trình sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp từ khâu xây dựng nguồn giống, sản xuất vật liệu giống cho đến sản xuất cây con ở vườn ươm và sử dụng cho trồng rừng. Trong thời điểm đó, quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được ban hành đã tháo gỡ được những khó khăn hạn chế này. Trước tiên là chủ vườn ươm phải tự chịu trách nhiệm với chất lượng và nguồn gốc cây giống, cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ giám sát. Điều đặc biệt là việc giám sát giống được thực hiện theo chuỗi hành trình. Có thể hiểu một cách đơn giản chuỗi hành trình giống là quá trình liên hoàn các hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp từ khâu xây dựng nguồn giống, sản xuất vật liệu giống đến sản xuất cây con ở vườn ươm và phục vụ cho trồng rừng. Theo đó, giám sát chất lượng giống theo chuỗi hành trình là các thủ tục nhằm kiểm soát nguồn gốc của vật liệu giống trong từng bước của quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp.
Ngay khi quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được ban hành, Chi cục lâm nghiệp đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ của chi cục và cán bộ trong Ban quản lý trồng rừng dự án 661. Trong vòng 2 năm 2006-2007 đã tiến hành thống kê, rà soát lại toàn bộ nguồn giống hiện có trên địa bàn, các vườn ươm đã và đang sản xuất kinh doanh để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiên theo quy chế. Trong quá trình kiểm tra, rà soát đã cho thấy nhiều tồn tại. Các loại phương tiện, thiết bị về giống, trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 đơn vị được đầu tư tương đối đầy đủ là Trung tâm nuôi cấy mô thuộc Sở KH&CN; Công ty giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc và Trung tâm giống cây trồng nông lâm nghiệp Hữu Lũng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh giống bằng công nghệ mô, hom. Còn lại đa số các vườn ươm chưa có hệ thống kho bảo quản, dụng cụ sản xuất còn lạc hậu nên ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng giống. Việc thực hiện các quy phạm, quy trình, tiêu chuẩn về giống có những tồn tại như quy trình, quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật về gieo ươm, trồng rừng còn thiếu, do vậy ảnh hưởng đến quá trình quản lý, chỉ đạo; chưa thực hiện được việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho rừng giống và vườn giống từ cây hạt như xây dựng rừng giống, vườn giống, trồng rừng giống, tỉa thưa, chăm sóc và khảo nghiệm hậu thế…Trong khi đó nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý giống cũng còn nhiều hạn chế.
Trước tình hình đó, Chi cục Phát triển lâm nghiệp đã thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp, ông Chức cho biết: Giải pháp tích lũy kinh nghiệm thực tế, kết hợp với nghiên cứu các kiến thức chuyên ngành về giống thông qua các hình thức đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm của các đơn vị khác được tích cực thực hiện đã tạo ra được điều kiện thuận lợi nhất định để nhanh chóng áp dụng quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, đưa công tác này đi vào nề nếp. Cho đến nay đã cấp giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp cho 34 đơn vị và cấp chứng chỉ công nhận 19 nguồn giống bao gồm vườn cung cấp hom, lâm phần tuyển chọn, rừng giống chuyển hóa. Qua quá trình thực hiện quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp đã thể hiện tính hiệu quả cao và có những tác động tích cực. Công tác quản lý, chỉ đạo về công tác giống được thực hiện thường xuyên; đối tượng trồng rừng, cụ thể là các đơn vị, tổ chức khi trồng rừng đã quan tâm hơn đến chất lượng cây giống thông qua việc kiểm tra các loại giấy chứng nhận cho lô cây con trước khi mua giống về trồng; người tham gia sản xuất cung ứng giống bước đầu đã có ý thức thực hiện quy định theo quy chế, sau khi tham gia các lớp tập huấn đã chủ động làm đầy đủ các thủ tục theo chuỗi hành trình giống…
Tuy trong quá trình thực hiện quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, nhưng với những giải pháp đã và đang được triển khai, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục được quan tâm và tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Minh chứng cụ thể và trực quan nhất chính là chất lượng của rừng trồng trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm qua đã được cải thiện và nâng lên một cách rõ rệt.
Lê Minh
Ý kiến ()