Sau khi nhà Lý được thành lập và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý càng ra sức củng cố vùng biên ải Lạng Sơn. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1075- 1077, lực lượng dân binh người Tày- Nùng ở vùng biên giới do các tù trưởng Hoàng Kim Mãn, Thân Cảnh Phúc… chỉ huy đã trở thành một bộ phận quan trọng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cả nước. Trong thời kỳ chống quân Nguyên – Mông, tháng 5 năm 1285, lần thứ hai đã chuyển sang giai đoạn phản công. Các trận Hàm Tử, Chương Dương đã đẩy Thoát Hoan vào thế bị động hoàn toàn, buộc Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân lính khiêng chạy qua biên giới về nước. Nhà Minh xâm lược nước ta, ngay từ năm 1407 đã đổi Đại Việt thành Giao Chỉ, Lạng Sơn được đặt thành một phủ, bao gồm 5 châu: Thượng Văn, Hạ Văn, Vạn Nhai, Quảng Nguyên và Tư Lăng. Trong các năm 1426 -1427, sau khi giải phóng phần lớn đất đai của Đại Việt, nghĩa quân Lam Sơn đã bỏ cách phân chia cũ của giặc Minh, chia cả nước thành 5 đạo, Lạng Sơn thuộc Bắc đạo. Năm 1466, vua Lê Thánh Tông bỏ 5 đạo, chia cả nước thành 12 thừa tuyên, Lạng Sơn được thành một thừa tuyên riêng. Hệ thống hành chính này được giữ nguyên cho đến cuối thế kỷ XVIII. Năm 1802, quân Nguyễn Ánh kéo lên Lạng Sơn, các trấn thủ Hoàng Văn Kim, hiệp trấn Trương Luyện nộp thành đầu hàng, Lạng Sơn thuộc về triều Nguyễn. Buổi đầu, nhà Nguyễn vẫn giữ nguyên các đơn vị hành chính cũ. Mùa đông, ngày 01 tháng 10, năm Minh Mạng thứ XII (tức là ngày 04-11-1831), nhà Nguyễn chia định địa hạt phía Bắc, đặt thành 18 tỉnh tính từ Quảng Trị trở ra, trong đó có tỉnh Lạng Sơn, gồm 1 phủ, 7 châu, huyện; tỉnh lỵ vẫn đặt ở chỗ cũ. Thời Gia Long, đầu Minh Mạng, trấn do các chức trấn thủ, hiệp trấn và tham hiệp cai quản. Giúp việc có hai ty Tả thừa (với các phòng Lại, Binh, Hình) và Hữu thừa (với các phòng Hộ, Lễ, Công) cùng một số cai án và thư ký. Năm 1834, triều Nguyễn đổi các châu An Bác, Văn Quan, Thất Nguyên (Thất Khê) thành huyện. Năm 1936, lại tách 2 châu Văn Uyên, Thoát Lãng và 2 châu Văn Quan, Thất Nguyên để thành lập một phủ mới là phủ Tràng Định. Các huyện Châu Ôn, Lộc Bình và huyện Bác Ái vẫn thuộc phủ Tràng Khánh như cũ. Sau khi thành tỉnh, vua Minh Mạng cho đặt chức tuần phủ cai quản chung, kiêm ty Bố Chính, gồm 48 viên chức (sau rút xuống còn 32), ty Án Sát, gồm 25 viên chức, sau xuống còn 5. Các châu, huyện vẫn giữ như cũ. Ngoài ra có các ty Chiêm Hậu, Lương Y và các cửa ải được củng cố lại. Trong những năm đầu của thế kỷ XIX, quan hệ ngoại giao Việt – Trung diễn ra vẫn tốt đẹp. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các thổ tù từ nước Thanh vẫn vượt biên sang bắt người, khiến triều đình sức cho “Lạng Sơn phải canh phòng nghiêm ngặt”. Từ năm 1802 Lạng Sơn gặp khó khăn “dân Nùng xiêu tán, dân Thổ ở lại không khỏi chịu gánh vác nặng”. Cùng với cuộc đấu tranh chung của nhân dân cả nước, nhân dân Lạng Sơn đã nhiều lần nổi dậy. Năm 1811, nổi dậy đánh phá bảo Bình Gia, giết cai đội Trần Văn Long. Năm 1833, nhân cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân, nhân dân Lạng Sơn đã nổi dậy cùng với Nông Văn Vân đánh úp trạm Lạng Chung. Nghĩa quân bao vây thành Lạng Sơn. Tiếp đó, nghĩa quân lại bao vây trạm Lạng Chỉ (Thất Khê). Vệ úy Nguyễn Tinh Lộc tử trận, quân lính chết nhiều, đường vận lương bị triệt, triều đình phải cứu viện.
Về kinh tế, nhân dân Lạng Sơn, lúc bấy giờ chủ yếu là người Tày, Nùng, một số ít người Kinh hoặc Kinh đã bị Tày hóa, một số ít người Hoa, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và nương rẫy. Ruộng đất ít, phần lớn lại thuộc về các gia đình thổ tri châu, thổ tri huyện. Các gia đình này đều có từ 50 đến 60 người làm công, hầu hạ… thân phận của họ như nô lệ. Ngoài ra có một số ít ruộng chức dịch, ruộng “mo then”, ruộng lính. Ngoại thương vẫn giữ một vị trí quan trọng. Hầu như huyện nào cũng có phố chợ. Nổi tiếng như phố chợ Đồng Đăng, An Thịnh, Cam Sơn, Nà He, Cẩu Pung, Tam Thanh, Tân Lang, Đồng Lai. Các chợ như chợ Mai Sao, Đồng Bục, Nà Hang…Lạng Sơn một thời trở thành nơi giao lưu, buôn bán sầm uất nhất vùng biên ải. Về văn hóa, nhà Nguyễn cho xây dựng nhiều đền, đàn như đàn Xã Tắc, đền Tiên Nông, miếu thành Thổ Sơn, đền Pha Long cùng nhiều đền thờ sơn thần ở các châu, huyện. Ngoài ra, có các chùa như chùa Diên Hựu, chùa Song Tiên, chùa Bắc Trấn, chùa Linh Nga, chùa Tiên Nga đều được tu bổ lại. Chùa Song Tiên nằm ở ngoài cửa Đoàn Thành (thành Lạng Sơn), trên núi Đại Tượng, dưới núi, trong động có viên đá lớn như tượng Bồ Tát, lại có tượng phật dựng từ thời Hồng Đức. Hàng năm cứ vào ngày 18 tháng giêng âm lịch, gái trai, già trẻ tấp nập kéo đến du ngoạn, để chiêm ngưỡng chùa Tiên, giếng Tiên, ngắm nàng Tô Thị, viếng chùa Tam Thanh. Nói đến Lạng Sơn, mấy ai không thuộc câu: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…”. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn luôn tin theo Đảng. Ngày 27 tháng 9 năm 1940, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng Cộng sản, hơn 600 nghĩa quân châu Bắc Sơn đã đứng lên khởi nghĩa, tấn công đồn Mỏ Nhài giành thắng lợi. Tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở chiến dịch biên giới, quân và dân Lạng Sơn đã anh dũng tham gia cùng với cả nước chiến đấu giải phóng biên giới. Ngày 17 tháng 10 năm 1950, Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng. Ngày 23 tháng 02 năm 1960, Bác Hồ về thăm Lạng Sơn, Bác đã biểu dương: “Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã anh dũng đánh giặc, cứu nước, giữ làng. Từ ngày hòa bình trở lại, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã có nhiều cố gắng và thành tích. Đó là những ưu điểm, Trung ương và Chính phủ vui lòng khen ngợi toàn thể cán bộ và đồng bào”. Năm 1972, đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá, phong tỏa miền Bắc, Lạng Sơn trở thành “cảng nổi”, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 2011, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn vui mừng trước thắng lợi Đại hội lần thứ XI của Đảng và tổ chức bầu cử thành công đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp.
Trải qua 180 năm cùng cả dân tộc kiên cường đấu tranh dựng nước và giữ nước, Lạng Sơn hôm nay đang đổi mới từng ngày; đang mời gọi các đối tác trong nước và quốc tế đến đầu tư, làm ăn với quê hương xứ Lạng – một vùng đất biên ải của Tổ quốc.
Ý kiến ()