Lạng Sơn mở rộng hoạt động ngoại giao
LSO-Những năm gần đây, đặc biệt là đầu năm 2013, nhiều đoàn ngoại giao, đại sứ quán các nước liên tục đến thăm Lạng Sơn.
LSO-Những năm gần đây, đặc biệt là đầu năm 2013, nhiều đoàn ngoại giao, đại sứ quán các nước liên tục đến thăm Lạng Sơn. Qua đó cộng đồng quốc tế đã được tiếp cận với thế mạnh của Lạng Sơn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng lô gô Lạng Sơn cho Đại sứ Cộng hòa Séc |
Nếu như trước đây mỗi năm Lạng Sơn đón tiếp trên 50 đoàn khách quốc tế, đại sứ quán các nước đến thăm và làm việc thì hiện nay con số đã tăng gấp đôi. Đặc biệt những tháng đầu năm 2013, đã có trên 40 đoàn khách quốc tế, đại sứ quán các nước, chuyên gia các ngành đến Lạng Sơn thăm làm việc, đặt nền móng cho ngoại giao kinh tế. Cũng khác trước, khách quốc tế chủ yếu đến từ Trung Quốc thì hiện nay đã mở rộng ra các nước khu vực Đông Nam Á, Châu Âu và nhiều vùng lãnh thổ khác. Điều đó đã làm cho vị thế của Lạng Sơn ngày càng được nâng lên trên trường quốc tế.
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, vì vậy rất nhạy cảm trong các vấn đề ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao với nước đối diện. Bên cạnh đó nhiều nước trong khu vực rất cần đặt mối quan hệ ngoại giao với Lạng Sơn để hình thành cầu nối thương mại sang các nước ASEAN và ngược lại. Rất nhiều các vị đại sứ nhận nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam đã chọn Lạng Sơn làm điểm đến thăm, làm việc đầu tiên. Điển hình là chuyến thăm và làm việc của Đại sứ Cộng hòa Czech (Séc) – ngài Martin Klepetko. Ông rất xúc động khi được đón tiếp nồng hậu và chân tình. Cũng ngay trong buổi tiếp, đại sứ đã trực tiếp mời lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành liên quan thăm triển lãm công nghệ xanh của Séc, và đây sẽ là cơ hội để tỉnh Lạng Sơn tiếp cận với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, các tập đoàn kinh tế lớn đến từ Séc. Điều đó cũng đã khẳng định lợi thế của thành tựu ngoại giao mang lại.
Là tỉnh miền núi nên ngoài lễ tân ngoại giao theo nghi thức Nhà nước, đặc thù riêng của Lạng Sơn là hiếu khách, cởi mở, chân thành nên đã chiếm được tình cảm của các đoàn khách quốc tế, các vị đại sứ tại Việt Nam. Rất nhiều đoàn khách đã lưu lại tình cảm đặc biệt và mong muốn cộng tác, giúp đỡ Lạng Sơn nhiều hơn nữa. Trong buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore ngài Ng Teck Heam đã rất xúc động khẳng định, mong muốn của ông là đến Lạng Sơn nhiều hơn nữa, tìm kiếm cơ hội để nhiều cán bộ Việt Nam được đào tạo có học bổng tại Singapore, bởi ông thấy nước ông, tình cảm con người ông với Lạng Sơn có những nét tương đồng. Không chỉ ở cấp nhà nước, mà ở các cấp ngoại giao ngành, hội đàm, ngoại giao nhân dân… Lạng Sơn cũng chiếm được cảm tình của nước đối diện. Vị thế ngoại giao của tỉnh cũng được nâng lên. Với chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình ổn định, việc ngoại giao nhân dân, kết nghĩa các làng bản biên giới, các huyện biên giới được quan tâm. Ngoài ra tỉnh đã quan tâm thành lập các hội hữu nghị như Hội Hữu nghị Việt- Nga, Việt Trung, xúc tiến thành lập Hội Hữu nghị Việt-Bun, Việt- Tiệp… Từ đó đã mở ra các cơ hội quan hệ ngoại giao kinh tế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Bình khẳng định, tất cả những điều chúng ta làm được trong ngoại giao đã khẳng định vị thế của tỉnh. Từ đó mở ra các cơ hội hợp tác mang tầm quốc tế. Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với Lạng Sơn cũng chính là một lợi thế của tỉnh. Tuy mới chỉ là những chấm phá ban đầu nhưng ngoại giao quốc tế ở Lạng Sơn đã ngày càng khẳng định vị thế của mình. Các đoàn ngoại giao đến Lạng Sơn ngày càng dầy hơn, phong phú hơn. Đây cũng chính là cơ hội để Lạng Sơn vươn ra bên ngoài, tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác mới nhằm phát huy hết lợi thế là tỉnh biên giới nơi cửa ngõ phía Bắc Tổ quốc.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()