Lạng Sơn kiểm soát tệ nạn
LSO - 5 năm triển khai thực hiện chương trình, Lạng Sơn đã kiểm soát được tệ nạn mại dâm, không có điểm nóng về mại dâm gây bức xúc, không có tụ điểm mại dâm công cộng, tình hình trật tự an ninh được đảm bảo. Từ năm 2011 đến năm 2015, Lạng Sơn cơ bản đạt được những mục tiêu chung và chỉ tiêu của chương trình.
Phụ nữ xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng ký cam kết
không vi phạm pháp luật và phòng, chống tệ nạn xã hội
Theo đó, với phương châm “phòng ngừa là chính”, 100% xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền phòng chống mại dâm, ma túy, HIV/AIDS bằng nhiều hình thức phù hợp. Các sở, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thành phố đã tổ chức trên 270 cuộc với trên 55.000 lượt người tham gia. Tổ chức 87 hội nghị tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, mua bán người và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; 3 cuộc thi, 42 buổi tọa đàm cho trên 65.000 lượt người tham dự. Đồng thời xây dựng hàng trăm tin, bài, phóng sự đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng; phát hành hơn 50.200 tập san, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về phòng, chống mại dâm đến tận khu dân cư…
Bên cạnh đó, 100% vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm được phát hiện, giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức. Cụ thể, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý gần 3.400 trường hợp gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú vi phạm; thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hiện và ra quyết định xử phạt 133 cơ sở lưu trú du lịch; Đội kiểm tra liên ngành 138 các cấp kiểm tra về phòng, chống mại dâm và phát hiện 75 cơ sở vi phạm hành chính. Cùng đó, lực lượng chức năng đã triệt phá 19 vụ, bắt 77 đối tượng, khởi tố 18 vụ về tội môi giới, chứa gái mại dâm; xử lý hành chính 58 đối tượng về hành vi mua bán dâm…
Tỉnh cũng đã duy trì hiệu quả 2 mô hình điểm phòng ngừa mại dâm ở cộng đồng kết hợp với các biện pháp giảm tác hại về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS ở xã Tân Thanh (Văn Lãng) và thị trấn Hữu Lũng (Hữu Lũng). Ông Vũ Đức Vinh, Chủ tịch UBND thị trấn Hữu Lũng cho biết: Mô hình triển khai đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân với công tác phòng, chống mại dâm và HIV/AIDS trên địa bàn. Đặc biệt, những người lầm lỡ, đối tượng có nguy cơ cao được tư vấn, tuyên truyền, cung cấp nhiều kỹ năng bảo vệ bản thân, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tránh xa tệ nạn xã hội.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH, đến nay, toàn tỉnh xây dựng và duy trì được 220/226 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; không có xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn mại dâm. Kết quả đó giúp Lạng Sơn không phải là tỉnh trọng điểm về loại tệ nạn này. Hiện nay, tệ nạn mại dâm trên địa bàn vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Chương trình phòng chống mại dâm, mục tiêu chữa trị, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 100% số người bán dâm có hồ sơ quản lý không thực hiện được vì họ thường không có mặt tại địa phương hoặc né tránh, không tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, không muốn cho mọi người biết quá khứ của mình. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm tại xã, phường, thị trấn thường luân chuyển nên cán bộ mới chưa được bố trí tập huấn kịp thời. Kinh phí phân bổ chậm nên việc triển khai các nội dung chương trình thường dồn vào cuối năm…
Ông Nông Thanh Bình, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Tệ nạn mại dâm vẫn đang tiềm ẩn và các đối tượng vẫn lén lút tổ chức các hoạt động mại dâm dưới nhiều hình thức tinh vi như: gái gọi, giả làm tiếp viên, mại dâm thời vụ là người địa bàn khác đến hoạt động… Với vai trò là lực lượng chức năng, Sở tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất giữ 5 giải pháp thực hiện của chương trình: tăng nguồn lực về con người và kinh phí cho công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường vai trò trách nhiệm của UBND các cấp; tăng cường hợp tác quốc tế; phối hợp liên ngành; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về tác hại của mại dâm; đề nghị bổ sung thêm giải pháp về cơ chế chính sách và can thiệp giảm tác hại liên quan đến hoạt động mại dâm.
Bài, ảnh: Thanh Hòa
Ý kiến ()